Hà Nam chuẩn bị các điều kiến đón làn sóng đầu tư mới

Tiếp tục phát triển các KCN theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Thời gian qua, việc xây dựng và phát triển các Khu Công nghiệp trên địa bàn Hà Nam đã đạt được những kết quả khả quan, tạo sức lan tỏa, tác động, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để kịp thời đón các làn sóng đầu tư đặc biệt là các doanh nghiệp FDI từ các quốc gia trên thế giới và tiếp cận với các doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm thị trường đầu tư mới, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã có chủ trương trình Chính phủ về việc quy hoạch và phát triển các KCN đến năm 2025 là 15 KCN với diện tích 6.014ha (tăng 3.480ha), trong đó mở rộng thêm 04 KCN với diện tích tăng thêm 1.020ha, thành lập mới 6 KCN với diện tích 2.210ha.

Trong năm 2021, Hà Nam tập trung hoàn thiện hồ sơ thủ tục, đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng và tập trung thu hút đầu tư vào các KCN Thái Hà giai đoạn I, KCN Đồng Văn I mở rộng, KCN Đồng Văn IV, KCN Thanh Liêm giai đoạn II để sẵn sàng quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư.

 Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợdoanh nghiệp

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới,UBND tỉnh đã chỉ đạo kịp thời và quyết liệt các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ, Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Song hành với việc đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục cho nhà đầu tư, tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, thực hiện các thủ tục về đăng ký mẫu dấu, mã số thuế... Đối với những dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, tỉnh Hà Nam còn xem xét và thực hiện những cơ chế ưu tiên để thu hút.

Với phương châm “Luôn sát cánh với nhà đầu tư, đồng hành với các doanh nghiệp”, chính quyền tỉnh thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc, đối thoại nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ. Việc làm này tiếp tục củng cố lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX đã xác định, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ hiện đại, hiệu quả cao. Bám sát mục tiêu của Nghị quyết, thị trường xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn tới vẫn tập trung chủ yếu vào các quốc gia truyền thống đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, bên cạnh đó sẽ mở rộng sang thị trường Đài Loan và các quốc gia là thành viên CPTPP, EU…

Đối với ngành công nghiệp, Hà Nam ưu tiên thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong đó hướng mạnh thu hút nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan; có vị trí đất dành riêng cho nhà đầu tư ngành công nghiệp phụ trợ theo nhóm ngành nghề. Hà Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, có công nghệ tiến tiến, đảm bảo hiệu quả đầu tư, trong đó ưu tiên một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp: cơ khí chế tạo, lắp ráp, các sản phẩm điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ và các lĩnh vực công nghiệp khác.

Cùng với thu hút đầu tư vào công nghiệp, Hà Nam cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, như: Đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Trồng các sản phẩm rau, củ, quả sạch, trồng lúa công nghệ cao; Chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm, đồ uống, sữa; chăn nuôi lợn sạch, bò sữa, bò thịt và chế biến các sản phẩm từ thị lợn, thịt bò…

Đồng thời, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác, như: phát triển hạ tầng đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục đào tạo… Hiện tại, TP. Phủ Lý đã được công nhận là đô thị loại II và thị xã Duy Tiên cũng đã được công nhận trở thành đô thị loại IV. Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện đẩy mạnh các quy hoạch chi tiết, đồng thời tạo cơ chế để thu hút các dự án về phát triển hạ tầng đô thị, các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề; các bệnh viện chất lượng cao, trung tâm thương mại, dịch vụ như: Quy hoạch và thu hút đầu tư vào Khu Đại học Nam Cao với diện tích 754ha; Khu Trung tâm y tế chất lượng cao với diện tích 940ha; Khu Du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc với diện tích hơn 5.000ha./.

 

Linh Vũ
Nguồn: Vietnam Business Forum
Link bài viết gốc