Rà soát văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh: Cần phải tăng tốc
Theo kế hoạch, trong tháng 5/2021, Bộ Tư pháp sẽ trình Thủ tướng Chính phủ danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành.
Đây là một phần việc mà Bộ Tư pháp thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Giới kinh doanh đang trông chờ kết quả của công việc này.
Phải nhắc lại, ngày 22/4/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, thống kê các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang gây khó khăn, cản trở đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đáng nói là Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định cụ thể nội dung quy định, từng điều, khoản, văn bản cụ thể gây khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung; khẩn trương đề xuất phương án xử lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, để tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư, kinh doanh. Công việc này phải hoàn tất, gửi Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/5/2021.
Có thể thấy, kế hoạch và cả chất lượng của công việc mà Bộ Tư pháp đang nỗ lực thực thi lại phụ thuộc rất lớn vào sự khẩn trương, tích cực, trách nhiệm của các bộ, ngành.
Nhưng cách đây hơn chục ngày, vào ngày 14/5/2021, khi rà soát việc thực hiện nhiệm vụ tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp cho biết mới nhận được báo cáo từ hơn 10 bộ, ngành, địa phương.
Tạm chưa bàn tới chất lượng của các báo cáo, chỉ riêng con số đạt được rất thấp so với thời hạn phải tuân thủ có thể thấy, tốc độ triển khai công việc của nhiều bộ, ngành, địa phương thực sự là vấn đề đáng bàn.
Trong Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp công bố tháng 4/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhắc tới nhận định của doanh nghiệp về sự chậm lại trong hành động của một số bộ, ngành, địa phương. Có thể nói đến những khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, đăng ký bất động sản, thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, hoạt động của tòa án trong việc giả quyết tranh chấp thương mại… Nhưng, nếu điểm lại những đánh giá trước đó của VCCI cùng về nội dung này, thì kết quả khảo sát từ doanh nghiệp không có nhiều thay đổi. Nếu so sánh với những chỉ tiêu, kế hoạch tham gia vào nhóm đầu của các nước ASEAN về tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đặt ra nhiều năm nay, thì khoảng cách và tốc độ cũng đang là vấn đề rất lớn.
Tất nhiên, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã làm được những năm qua là không nhỏ, đã tạo nên nhiều cơ hội và động lực để doanh nghiệp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh, chuẩn bị tâm thế tham gia vào sân chơi lớn hơn.
Nhưng thực tế còn rất nhiều khó khăn.
Ngay trong công văn gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến thực tế hệ thống pháp luật còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu khả thi, không phù hợp với thực tiễn, gây cản trở, khó khăn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Có nghĩa, sự chậm trễ trong thực hiện của các bộ, ngành sẽ khiến thực tế này kéo dài hơn và hẳn nhiên, doanh nghiệp sẽ phải chờ đợi lâu hơn.