Quảng Ninh tập trung khơi thông nguồn lực đầu tư
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh là một trong những hình mẫu có nhiều thành công trong thu hút, hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Kết quả này được khởi nguồn từ tư duy đổi mới, sáng tạo và hành động quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò người đứng đầu địa phương. Nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng được khơi thông nhờ sự chủ động đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp, cùng với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
"Làm tổ đón đại bàng"
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Quảng Ninh đang hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, nhất là thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ, Quảng Ninh là một trong những địa phương "hút" rất mạnh các nhà đầu tư nước ngoài do những thay đổi mang tính mấu chốt trong kêu gọi đầu tư. Ðó là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ; liên tục đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng như một số chỉ số khác về cải cách hành chính; tinh thần cởi mở, cầu thị, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh là điểm cộng rất lớn cho Quảng Ninh.
Xác định thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những động lực quan trọng kéo tăng trưởng kinh tế địa phương theo hướng nhanh, mạnh, bền vững, tỉnh chủ động đưa ra nhiều giải pháp tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các DN trong nước và quốc tế. Quyết tâm dành những điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách, về hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN, KKT để "làm tổ đón đại bàng" đến đầu tư. Từ chỗ xếp hạng 58/63 vào năm 2007, Quảng Ninh đã vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2017, sau đó duy trì, giữ vững vị trí quán quân liên tục đến nay. Năm 2020 đã đánh dấu mốc quan trọng khi Quảng Ninh thăng hạng hai bậc, trở thành tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI. Theo đó, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước ở ba tiêu chí: công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và cung ứng dịch vụ công. Ðiều này cho thấy, sự cởi mở của các cấp lãnh đạo, sự minh bạch trong chính sách đã giúp Quảng Ninh thành "mảnh đất vàng" hấp dẫn giới đầu tư trong nước và quốc tế.
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, tổng mức đầu tư 500 triệu USD cho Công ty Jinko Solar Hong Kong, nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Khoai (thị xã Quảng Yên). Ðây là một trong những nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến trên thế giới; năm 2019 xếp vị trí thứ nhất và giữ 12,6% thị trường toàn cầu. Ðể tiếp tục mở rộng diện sản xuất, đoàn chuyên gia của Jinko Solar đã đến Việt Nam hai lần, khảo sát tại hơn 20 địa phương với hơn 30 KCN ở Việt Nam và cuối cùng quyết định chọn KCN Sông Khoai để đầu tư. Dự án có quy mô gần 500 triệu USD, thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo (công nghiệp hỗ trợ) được ưu tiên phát triển theo chính sách ưu đãi của Chính phủ; phù hợp mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến năm 2030. Ðại diện Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh cho biết, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án diễn ra trong vòng sáu ngày, sớm hơn 12 ngày so quy định về thủ tục hành chính và được tỉnh cho ý kiến chấp thuận chỉ trong một ngày. Theo kế hoạch, dự án sẽ đầu tư, đi vào hoạt động chính thức sau bảy tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Doanh thu bình quân hằng năm ước tính đạt gần 1,3 tỷ USD và tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động. Ông Huang Xing Jin, đại diện chủ đầu tư dự án chia sẻ, chúng tôi rất ngạc nhiên trước hiệu suất làm việc của các cơ quan, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là sự kết nối liên hệ làm việc rất chuyên nghiệp với chủ đầu tư ngay cả trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Sự lựa chọn Quảng Ninh của chúng tôi sau quá trình khảo sát hơn 20 địa phương, 30 KCN là hoàn toàn chính xác.
Chiến lược thu hút đầu tư
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định: Mục tiêu trọng tâm của tỉnh về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch; thúc đẩy công cuộc cải cách, hiện đại hóa, tinh giản thủ tục hành chính, góp phần tạo môi trường kinh tế thông thoáng, có sức hút và tính cạnh tranh cao. Ðồng thời chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, tập trung vào các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, bảo vệ môi trường; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện, điện tử, vật liệu mới; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nông nghiệp hữu cơ, bền vững, không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu. Ðể thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược về thu hút đầu tư nước ngoài, từ nay đến năm 2030, Quảng Ninh tập trung vào năm nhóm nhiệm vụ chủ yếu, gồm tăng cường chất lượng thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý, xúc tiến đầu tư; bảo đảm quyền sở hữu, lợi ích gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý của các cấp chính quyền; sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội đối với đầu tư nước ngoài. Tỉnh xác định nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên dự án có công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; tập trung ưu tiên phát triển các KCN theo hướng công nghệ cao, phát triển KCN hỗ trợ, KCN chuyên dành cho một ngành hoặc nhóm ngành, công nghiệp hỗ trợ, hình thành các chuỗi sản xuất - liên kết, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,...
Từ năm 2011, tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai lập bảy quy hoạch quan trọng cấp tỉnh gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch phát triển du lịch; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch phát triển khoa học - công nghệ; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch bảo vệ môi trường và triển khai thực hiện dưới sự tư vấn của các tập đoàn, đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như McKinsey (Mỹ), Nikken Sekkei (Nhật Bản), BCG (Mỹ), Nippon Koie (Nhật Bản). Việc triển khai các quy hoạch chiến lược này thể hiện quyết tâm, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, từ đó lan tỏa lợi ích, tư duy nhận thức mới, động lực mới trong chiến lược phát triển của Quảng Ninh. Sự đồng bộ và thống nhất của các quy hoạch đã bảo đảm cho tỉnh phát triển mang tính chất liên vùng cao trong xu thế hội nhập. Ðồng thời, đáp ứng mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với các vùng đồng bằng sông Hồng, duyên hải Bắc Bộ, vùng biên giới Việt - Trung, khu vực hợp tác "hai hành lang, một vành đai" kinh tế Việt - Trung, tạo động lực cho phát triển của các vùng lân cận và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Ðến nay, toàn tỉnh có 13 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 65%, là một trong năm địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Các dự án đầu tư, nhà đầu tư vào Quảng Ninh đều là những tập đoàn hàng đầu trong nước, có tiếng trên thế giới như Vingroup, Sungroup, FLC, BIM Group, Him Lam, My Way, Texhong, Rent A Port,...
Có thể khẳng định, Quảng Ninh đang đi đúng hướng theo các quy hoạch đã được lập và công bố. Các quy hoạch không chỉ là định hướng phát triển, khung pháp lý cho việc đầu tư các lĩnh vực, lập kế hoạch xây dựng chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là động lực quan trọng để thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các quy hoạch được công khai, minh bạch trong tổng thể dài hạn, đã giúp tỉnh loại bỏ cách làm manh mún, cục bộ. Việc sớm triển khai các quy hoạch chiến lược đã tạo nền tảng quan trọng để xây dựng thương hiệu Quảng Ninh, góp phần tạo niềm tin cho nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh đã và đang khẳng định thương hiệu, hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và hấp dẫn, mở rộng cửa chào đón các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ðể phát huy mạnh mẽ tiềm năng thế mạnh của mình, tỉnh xác định tiếp tục khơi thông các "điểm nghẽn" để thúc đẩy kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu không chỉ là trung tâm của vùng Ðông Bắc mà còn là trung tâm phát triển phía bắc của cả nước.