Rộng cửa cho doanh nghiệp nhà nước tiếp cận vốn ODA
Việc sửa Nghị định 56 theo hướng mới sẽ mở rộng đối tượng tiếp cận vốn ODA không chỉ với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mà cả những doanh nghiệp nhà nước sở hữu từ 50% trở lên...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã công bố Dự thảo số 1 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định pháp luật về quản lý đầu tư công, quản lý nợ công, ngân sách nhà nước. Theo đó, dự thảo dành hẳn một chương riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước tiếp cận vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi.
ÁP DỤNG CƠ CHẾ TÀI CHÍNH CHO VAY LẠI TOÀN BỘ
Đáng chú ý, bên cạnh những quy định sửa đổi, bổ sung liên quan tới trình tự, thủ tục, chủ trương đầu tư dự án, gia hạn thỏa thuận cho chương trình, dự án có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi... Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bổ sung một chương riêng quy định về việc doanh nghiệp nhà nước tiếp cận vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Cụ thể, chương này gồm 15 điều quy định việc doanh nghiệp nhà nước được tiếp cận vốn ODA, vốn vay ưu đãi để đầu tư hoặc tham gia liên doanh đầu tư theo phương thức hợp tác công tư. Trong đó, đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước sẽ được áp dụng cơ chế tài chính cho vay lại toàn bộ.
Theo nhận định của chuyên gia, đây là giải pháp nhằm bổ trợ cho phương thức cấp phát từ ngân sách nhà nước truyền thống khi nguồn đầu tư phát triển bị giới hạn và không đủ đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển của Chính phủ. “Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục gây ra những xáo trộn cho nền kinh tế, đây được xem là giải pháp hiệu quả”, vị chuyên gia nói.
Tổng số vốn vay về cho vay lại giải ngân từ nhà tài trợ nước ngoài khoảng 12,5 tỷ USD (trung bình khoảng 1,4 tỷ USD/năm). |
Tuy vậy, để đón nhận và sử dụng dòng vốn này hiệu quả, ngoài các quy định chung như thẩm quyền chấp thuận đề xuất dự án của Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hay UBND cấp tỉnh; Ban soạn thảo còn đưa ra những quy định liên quan tới thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng của doanh nghiệp nhà nước; thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hay thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ...
Chẳng hạn, đối với thẩm quyền quyết định dự án đầu tư của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100 phần trăm vốn điều lệ thực hiện, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định từng dự án đầu tư xây dựng, mua bán tài sản cố định với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công. Còn đối với trường hợp doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, thẩm quyền quyết định sẽ căn cứ theo hình thức hoạt động của công ty. Quy định này được đánh giá nhằm đồng bộ, thống nhất các quy định pháp luật liên quan.
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2011-2019, cho vay lại vốn ODA (chính quyền địa phương cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp) có sự chuyển biến tích cực về số lượng dự án quản lý, số vốn cam kết theo hợp đồng. Tổng số vốn vay về cho vay lại giải ngân từ nhà tài trợ nước ngoài khoảng 12,5 tỷ USD (trung bình khoảng 1,4 tỷ USD/năm), chiếm khoảng 33-35% tổng số giải ngân vốn vay nước ngoài hàng năm của Chính phủ.
Trong đó, dư nợ cho vay lại trong giai đoạn 2012-2019 tăng trưởng dương (riêng năm 2018 là âm 1,2%), từ khoảng 12,8 tỷ USD cuối năm 2011 lên khoảng 18,3 tỷ USD cuối năm 2019, tốc độ tăng trung bình khoảng 5%/năm. Tuy nhiên, số vốn ODA cho vay lại giải ngân có nhiều biến động, từ 1,29 tỷ USD năm 2011 tăng lên 2,32 tỷ USD năm 2014 và giảm dần xuống 0,72 tỷ USD năm 2018 và 0,41 tỷ USD năm 2019. Riêng năm 2019, tổng mức vay về cho vay lại năm 2019 giá trị giải ngân cả năm chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch.
TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG
Mặc dù cho vay lại vốn ODA thời gian qua tăng mạnh song tỷ lệ quá hạn và tỷ lệ nợ xấu thấp. Trong cả giai đoạn 2012-2017, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - đơn vị được ủy quyền cho vay lại lớn nhất của Chính phủ đã thu hồi nợ cho vay lại vốn ODA khoảng 60.944 tỷ đồng, trong đó thu nợ gốc chiếm khoảng 76,1%, thu lãi và phí khoảng 23,9%. Tỷ lệ thu hồi nợ gốc vốn vay bình quân hàng năm khoảng 80,9%. Số nợ gốc thu hồi hàng năm tăng lên, năm 2017 tăng so với năm 2012 là 896 tỷ đồng. Tỷ lệ thu nợ gốc so với dư nợ vốn vay ODA đạt khoảng 5,77%.
Vấn đề quản lý và xử lý rủi ro tín dụng đối với các dự án vay lại nguồn vốn ODA cũng được thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ. Đối với các dự án khó khăn, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án cho phép gia hạn thời gian vay vốn, điều chỉnh thời hạn trả nợ. Tại VDB, chất lượng tín dụng cho vay lại được duy trì tốt, tính chung năm 2019, thu nợ gốc, lãi, phí đều ở mức tốt trên 95% tổng số kế hoạch được giao năm 2019, theo đó, nợ nhóm 1,2 chiếm 97,11% tổng dư nợ; nhóm nợ xấu chỉ chiếm 2,89% tổng dư nợ.
Việc cho vay lại vốn ODA góp phần chia sẻ rủi ro giữa ngân sách nhà nước và cơ quan cho vay lại. Trong đó, áp dụng cơ chế cơ quan cho vay lại chịu rủi ro toàn bộ, vì vậy cơ quan quản lý hoạt động này trong thời gian tới cần tăng cường công tác thẩm định, áp dụng mức phí dự phòng rủi ro cho vay lại; phân loại nợ, quản lý và xử lý rủi ro... |
Nhìn chung, việc thực hiện cho vay lại vốn ODA thời gian qua đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam. Tỷ trọng ODA giải ngân trong GDP bình quân giai đoạn 2011-2017 đạt 2,95%, trong đó, ODA cho vay lại giải ngân bằng khoảng 0,35% GDP. Nguồn vốn ODA cho vay lại chủ yếu được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, cung ứng các khoản hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường...
Từ thực tiễn quản lý hoạt động cho vay lại ODA ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, việc tăng cường và đẩy mạnh cho vay lại ODA đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các địa phương trong việc đi vay và trả nợ. Chính quyền địa phương đã phải cân đối kỹ hơn, chặt chẽ hơn về dòng tiền vay và trả nợ, cũng như hiệu quả vốn vay, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp; đồng thời, giúp cho địa phương chủ động hơn trong việc tự lựa chọn dự án và nguồn vốn vay phù hợp với tính chất đặc thù của địa phương, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Tại VDB, vốn ODA cho vay lại thực hiện chịu rủi ro tín dụng trên tổng vốn ODA cho vay lại đã tăng lên, từ 0,6% năm 2013 lên 1,7% năm 2016 và ở mức 1% năm 2017, vì vậy VDB đã quy định chặt chẽ đối tượng được vay lại như: đáp ứng các điều kiện về năng lực thực hiện dự án, năng lực tài chính, khả năng trả nợ, tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án, tài sản bảo đảm tiền vay...