Đầu tư 11.505 tỷ đồng mở rộng 24 km cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Một đoạn cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua Tp.HCM.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa trình Bộ GTVT Báo cáo đầu kỳ kết quả nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thàng - Dầu Giây.

Theo đó, đoạn tuyến được đề xuất đầu tư mở rộng là tại vị trí sau cầu Bà Dạt (Km0+800), phường An Phú, thành phố Thủ Đức, TP.HCM; điểm cuối đoạn đề xuất đầu tư mở rộng là tại vị trí giao cắt dự kiến với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km24+558), thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Tổng chiều dài đoạn đề xuất đầu tư mở rộng 24 km/55 km chiều dài toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trên cơ sở quy mô giai đoạn 1 của Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giâytrên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào năm 2007, Tư vấn kiến nghị quy mô mở rộng đoạn An Phú – Vành đai 2 (Km0+000 – Km4+514) là đường đô thị, tốc độ thiết kế 100km/h; đoạn từ Vành đai 2 - Long Thành - Dầu Giây (Km4+514 - Km54+983) là đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120 km/h; riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h

Về quy mô mặt cắt ngang, đối với đoạn An Phú - Vành đai 2 (Km0+000 – Km4+514), đơn vị tư vấn đề xuất mở rộng ra mỗi bên 4,75m để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 36 m. Đoạn từ Vành đai 2 - nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4+514 – Km24+558) sẽ ở rộng ra mỗi bên 7,5m để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 42,5 m

Đối với mặt cắt ngang phần cầu, đoạn An Phú - vành đai 2 (Km0+000 – Km4+514) sẽ mở rộng ra mỗi bên 5,25 m để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng cầu tổng cộng là 37 m; đoạn vành đai 2 - nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4+514 – Km24+558) sẽ mở rộng ra mỗi bên 7,5 m để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng cầu tổng cộng là 41,5m.

Trước đây, Bộ GTVT đã thống nhất UBND TP.HCM sẽ đầu tư trước giai đoạn 1 cho nút giao An Phú. Tuy nhiên, hiện nay, UBND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng nút giao thông An Phú trong giai 10 đoạn 2021 -2025 (Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 22/4/2021), trong đó thành phố sẽ đầu tư hoàn thiện của nút giao An Phú để phù hợp với qui mô 8 làn xe sau khi mở rộng của cao tốc. Do đó, trong phạm vi nghiên cứu mở rộng Dự án sẽ chỉ đầu tư phần đường từ sau nút giao An Phú (dự kiến từ Km0+800).

Tổng vốn thực hiện Dự án vào khoảng 11.505,6 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB là 405 tỷ đồng, chi phí xây dựng là 8.306 tỷ đồng; phần còn lại là dự phòng; tư vấn và quản lý dự án…Nếu được cơ quan có thẩm quyền thông qua, thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2021-2025.

Theo dự báo lưu lượng giao thông của Tư vấn, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Long Thành quy mô 4 làn xe hiện nay đã mãn tải và đến năm 2025 sẽ vượt quá 25% năng lực thông hành; đoạn từ nút giao Long Thành đến Dầu Giây đảm bảo khai thác quy mô 4 làn xe đến năm 2030; đoạn từ nút giao Dầu Giây đến Phan Thiết đảm bảo khai thác quy mô 4 làn xe đến năm 2050.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho rằng kết quả tính toán như trên cơ bản phù hợp với kết quả nghiên cứu của Quy 11 hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Tổng Cục đường bộ Việt Nam đang thực hiện.

Như vậy, nếu đến năm 2025 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chưa được đầu tư mở rộng đoạn An Phú - Long Thành thì ảnh hưởng nghiêm trọng năng lực thông hành của đoạn tuyến cao tốc này (nhu cầu vượt 25% so với năng lực thông hành).

Được biết, vào tháng 5/2020, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã có thư  gửi đến Bộ GTVT về việc chuyển bức thư của Thứ trưởng phụ trách các dự án nước ngoài HIRAI Hideki, Bộ đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT). Theo đó, Bộ MLIT Nhật Bản thể hiện sự quan tâm: mong muốn tiếp tục được hợp tác, hỗ trợ để thực hiện Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trong đó bao gồm cả cách thức triển khai dự án bằng nguồn vốn ODA và sau khi được mở rộng dự án được vận hành và bảo dưỡng theo hình thức chuyển nhượng quyền khai thác.

Anh Minh
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc