Các tỉnh “chạy đua” lập khu công nghiệp hút vốn ngoại
Ảnh minh hoạ.

Mục tiêu phát triển công nghiệp bằng việc lập nhiều khu công nghiệp đang được các địa phương hướng tới.

QUY HOẠCH THÊM KHU CÔNG NGHIỆP

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt nhiệm vụ, dự toán quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Phú Bình, huyện Đức Trọng (tỷ lệ 1/2000) với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng.

Khu công nghiệp Phú Bình (Lâm Đồng) có diện tích 246ha, được định hướng là khu công nghiệp đa ngành, kết hợp dịch vụ vận tải kho vận.

Các loại hình công nghiệp dự kiến bố trí trong Khu công nghiệp Phú Bình, gồm ngành công nghiệp chế biến, sản xuất (khoảng 50%); ngành công nghiệp hỗ trợ (khoảng 30%); vận tải kho bãi (khoảng 20%).

Trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh Bình Thuận mới đây, lãnh đạo tỉnh này đã kiến nghị với Thủ tướng về việc cho phép tỉnh được thành lập Khu công nghệ cao và Khu kinh tế ven biển tại địa phương.

Bởi theo ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, với những tiềm năng hiện có, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung nguồn lực để phát triển ba trụ cột của nền kinh tế là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 1 khu công nghiệp (Sơn Mỹ 1) vừa mới được khởi công và 2 khu công nghiệp đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để có thể khởi công trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Phong, việc xây dựng, hình thành Khu kinh tế ven biển, Khu công nghệ cao hứa hẹn góp phần tối ưu hóa những lợi thế về phát triển kinh tế biển của tỉnh, kết nối liền mạch với các khu kinh tế ven biển. Từ đó hình thành chuỗi liên kết các khu kinh tế ven biển của cả nước; đồng thời, hỗ trợ việc chuyển giao, phát triển công nghệ cao cho các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và cả khu vực Tây Nguyên…

Nhiều địa phương đã chuyển hướng sang phát triển mạnh công nghiệp. Chẳng hạn, Quảng Ninh đã tuyên bố chuyển đổi từ một tỉnh lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn sang một trung tâm công nghiệp lấy các ngành công nghiệp công nghệ cao làm trọng tâm…

Ông Châu Thành Hưng, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, cho biết để cạnh tranh trong thu hút đầu tư, tỉnh đang ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, như: các tuyến cao tốc kết nối với Hà Nội, Hải Phòng, các cảng biển lớn, sân bay quốc tế đều đã đi vào hoạt động.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đang phát triển các tổ hợp cảng biển - khu công nghiệp với 2 dự án quan trọng là Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong và Khu công nghiệp Nam Tiền Phong (DEEP C Quảng Ninh) tại Khu kinh tế ven biển Quảng Yên…

Hay tỉnh Hải Dương cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ quy hoạch 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích đất trên 10.000ha, trong đó, gần 6.000ha đất công nghiệp, 2.000ha đất đô thị dịch vụ và logistics. 

Đáng chú ý, tỉnh này đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại huyện Bình Giang, Thanh Miện, với diện tích 10.000ha tại vị trí kết nối nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cách Hà Nội 25 phút đi xe…

Sóc Trăng cũng định hướng trong giai đoạn tới, tỉnh hình thành và phát triển Khu kinh tế Trần Đề có quy mô dự kiến khoảng 30.000ha. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa chức năng với ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển, năng lượng sạch, phát triển các khu chức năng về đô thị, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Mới đây, tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 44 về nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Sông Hậu, có tính chất là khu công nghiệp đa ngành.

Còn tại tỉnh Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1050/QĐ-TTg (ngày 7/9/2022) chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex - Vĩnh Long.

Theo đó, dự án chưa xác định quy mô cụ thể, nhưng phải phù hợp với quy hoạch phát triển khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch xây dựng của khu công nghiệp đã được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt…

Tại tỉnh Hoà Bình, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng ký Quyết định số 883/QĐ-TTg chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bình Phú, quy mô sử dụng đất 214,29ha…

CHỈ LÀ CƠ HỘI NẾU KHÔNG LINH HOẠT

Việc Trung Quốc dần chuyển từ nền công nghiệp cơ bản sử dụng nhiều lao động sang một nấc thang mới trong chuỗi giá trị, đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi nước này đến các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefiled, những thị trường đầu tư được nhà sản xuất hướng đến là Việt Nam và Indonesia. Trong khi, Indonesia được kỳ vọng tăng trưởng nhờ vào sự ổn định tiền tệ và những thay đổi về chính sách kinh tế. Thế mạnh của Việt Nam là nền chính trị ổn định, có lực lượng tay nghề trẻ với tay nghề cao, chi phí lao động tương đối thấp so với các nước trong khu vực và chỉ bằng 1/3 Trung Quốc.

Hiện Việt Nam có 260 khu công nghiệp đang hoạt động, với 75 khu công nghiệp đang được quy hoạch. Tổng cộng 335 khu công nghiệp này có diện tích hơn 100.000ha.

Bà Trang Bùi cho biết thêm, so với Indonesia, Malaysia và Philippines, giá đất công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tương đối thấp, khoảng 90 USD/ha. Trong khi giá đất công nghiệp tại Indonesia là hơn 150 USD/ha, Malaysia khoảng 160 USD/ha, Thái Lan khoảng 150 USD/ha, Philipppines hơn 90 USD/ha.

Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu trong khu vực. Tuy nhiên, tiềm năng và cơ hội đều đã sẵn sàng, nhưng Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều “đại bàng về làm tổ”.

Điều này cho thấy để thu hút đầu tư nước ngoài và luôn đón đầu xu hướng, Việt Nam cần cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính. Trong đó, vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy giáo dục, chú trọng hơn đến việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn có tay nghề cao và trình độ ngoại ngữ, khuyến khích đổi mới khoa học và công nghệ…

Vì theo ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam chi cho phát triển cơ sở hạ tầng tới 5,8% GDP, một mức phí khá cao trong khu vực Đông Nam Á, nhưng để chuyển dịch lên một nấc thang trong chu kỳ phát triển khu công nghiệp/logistics và cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, gồm: hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng điện nước, bao gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng.

Ngoài ra, các tỉnh của Việt Nam cần phải năng động hơn và linh hoạt thích ứng với các nhu cầu của các doanh nghiệp, thậm chí là những nhu cầu mới chưa có tiền lệ. Vì cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt.

Ban Mai
Nguồn: VEN
Link bài viết gốc