Chờ đón dòng vốn FDI chất lượng từ EU
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng hơn từ EU sẽ gia tăng cùng với các cam kết mạnh mẽ hơn về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính tại Việt Nam.
Nhà máy may hàng thể thao ngoài trời xuất khẩu 100% vốn Đan Mạch tại tỉnh An Giang, vốn đầu tư 17 triệu USD, vừa được Spectre đưa vào hoạt động hôm 30/9. Khác với 2 nhà máy trước đó, nhà máy thứ ba này của Spectre tại Việt Nam được xây dựng gắn liền với những tiêu chuẩn cao về trách nhiệm xã hội (CSR), được cấp giấy chứng nhận thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường.
Bằng việc sử dụng năng lượng mặt trời và thiết kế hiện đại, nhà máy có thể giảm thiểu phát thải khoảng 1.600 tấn CO2 mỗi năm. Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Nicolai Prytz nhấn mạnh, sự hiện diện của nhà máy là minh chứng rõ ràng của dòng vốn xanh vào Việt Nam.
Tuy nhiên, ở bình diện chung, những dự án sản xuất xanh trong nhiều lĩnh vực khác vẫn còn thưa vắng. Đặc biệt, thiếu các dự án FDI đổ vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang thiếu và cần như công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ xanh, nông nghiệp công nghệ cao.
Tại Tọa đàm “FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực hiện EVFTA và EVPIA” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Viện Konrad Adenauer-Stiftung tổ chức hôm qua (25/10), TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR thừa nhận, vẫn chưa có nhiều dự án FDI từ châu Âu đổ vào các ngành, lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao. FDI của EU chủ yếu tập trung vào 3 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản.
Báo cáo nghiên cứu của VEPR chỉ ra rằng, quy mô các dự án do EU đầu tư còn khá chênh lệch. Bên cạnh một số ít dự án quy mô lớn, phần lớn vẫn là dự án quy mô nhỏ, chất lượng còn thấp trong tương quan so sánh với các dự án của các nhà đầu tư ASEAN. Công nghệ mà các doanh nghiệp EU mang đến Việt Nam cũng chưa cao như kỳ vọng.
Chẳng hạn, số lượng dự án đầu tư của Đức tương đối nhiều nhưng giá trị mỗi dự án không lớn, trong khi Luxembourg có 57 dự án, nhưng tổng vốn đầu tư cao hơn. Tính đến tháng 8/2022, quy mô dự án lớn nhất thuộc về Luxembourg (trung bình 46 triệu USD/dự án), rồi đến Hà Lan (34 triệu USD/dự án), Cộng hòa Síp (20 triệu USD/dự án), các dự án của Pháp và Đức có quy mô nhỏ hơn (tương ứng 5,65 triệu USD/dự án và 5,37 triệu USD/dự án)…
Dù vậy, không thể phủ nhận, với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã thực thi sang năm thứ 3 và Hiệp định Bảo hộ đầu tư song phương (EVIPA) đang trong quá trình phê chuẩn, Việt Nam đã ở trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư EU khi tính chuyện đầu tư ra nước ngoài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 8/2022, đã có 25/27 nước thuộc EU đầu tư vào Việt Nam, với 2.384 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 27,6 tỷ USD, chiếm 6,42% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam. EU hiện đứng thứ 5/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với số dự án cấp mới đạt 104 dự án.
Tại Hội nghị đánh giá 2 năm thực thi EVFTA mới đây, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đánh giá, dịch Covid-19 dần được kiểm soát, với EVFTA và EVIPA, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu tìm kiếm môi trường đầu tư tiềm năng, an toàn và cạnh tranh.
Kết quả mới nhất của Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) do EuroCham vừa công bố cho biết, 42% doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam dự kiến tăng dòng vốn vào Việt Nam vào cuối năm 2022. Dòng vốn này có thể tăng mạnh khi Việt Nam giảm bớt những cản trở về hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực và giảm rào cản thị thực cho các chuyên gia nước ngoài.
“Để đẩy mạnh thu hút FDI từ châu Âu, Việt Nam cần giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, sửa đổi một số chính sách không còn phù hợp”, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam khuyến nghị.
Theo TS. Nguyễn Thị Vũ Hà, Giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Trường đại học Kinh tế quốc dân), trong bối cảnh FDI toàn cầu sụt giảm mạnh, cạnh tranh thu hút FDI được dự báo sẽ gay gắt hơn. Vì vậy, sức ép cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần được thực thi với tốc độ cao hơn nữa để hút dòng vốn EU.