Đang có làn sóng chuyển dịch đầu tư mới và tái cơ cấu chuỗi giá trị ngành điện tử vào Việt Nam
Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty sản xuất sản phẩm điện và điện tử trên thế giới. Ngành điện tử là một trong các ngành công nghiệp có nhiều triển vọng nhất đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư mới…
Những tín hiệu tích cực này được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn CEO đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử diễn ra ngày 4/10/2022.
VIỆT NAM ĐÃ LÀ NƠI HẤP DẪN CÁC NHÀ ĐẦU TƯ
Nhìn nhận về thực trạng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp điện tử đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu. Sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, như Hàn Quốc (Samsung), Nhật Bản… ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.
Theo thống kê, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2020. Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đạt gần 51 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt 15,18 tỷ USD, tăng 23%; sang thị trường Mỹ đạt gần 9,7 tỷ USD, tăng 10,3%...
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc thời gian đầu năm nhưng ngành điện tử vẫn tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học năm 2021 tăng 9,6% so cùng kỳ. Sản phẩm điện thoại di động đạt 233,7 triệu chiếc, tăng 7,6%; sản lượng linh kiện điện thoại đạt hơn 480 nghìn tỷ đồng, tăng 29,5%.
Trong giai đoạn 2016-2020, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng trưởng bình quân 23,8%. Kết quả này đưa Việt Nam từ vị trí 47 năm 2001 lên vị trí 12 thế giới và thứ 3 khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử. Tuy nhiên, đến 95% kim ngạch xuất khẩu thuộc khối doanh nghiệp FDI.
Về thu hút đầu tư FDI, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thông tin, từ đầu năm đến cuối tháng 8/2022 Việt Nam đã tiếp nhận 16,8 tỷ USD vốn FDI đăng ký, vốn thực hiện 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so cùng kỳ.
Nhìn vào những con số này cho thấy bức tranh sáng về thu hút đầu tư FDI, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử. Trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, Việt Nam đã là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư nổi lên một số tên tuổi lớn tham gia đầu tư sớm.
Việt Nam không có nhiều vốn để đầu tư nhưng chúng ta là nơi hấp dẫn đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có các giải pháp, cố gắng tận dụng các cơ hội này để dần dần tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển, nâng cao năng lực của mình. |
Bắt đầu đầu tư ở Việt Nam từ 2006, khi Intel, Samsung, trong 12 năm đã biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất một số mặt hàng điện tử cao cấp có vị thế trên thế giới. Đơn cử như Intel trong 12 năm đã biến Việt Nam thành 1 trong 9 nhà máy của người khổng lồ trên toàn cầu. Tập đoàn này cũng đã quyết định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam để sản xuất chip bán dẫn. Đây là một xu thế mới, cuộc chạy đua lớn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc…
“Việt Nam không có nhiều vốn để đầu tư nhưng chúng ta là nơi hấp dẫn đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có các giải pháp, cố gắng tận dụng các cơ hội này để dần dần tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển, nâng cao năng lực của mình”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Còn với Tập đoàn Samsung hiện có 6 nhà máy ở Việt Nam. Từ số vốn đầu tư 650 triệu USD năm 2006 đến năm 2022, con số này đã lên đến đến 17,7 tỷ USD, tăng gấp 17 lần. Đặc biệt tỷ lệ nội địa hóa của Samsung tại Việt Nam lên đến 59%. Theo số liệu mới nhất, hiện nay, số doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 4 đơn vị năm 2014 lên 50 doanh nghiệp năm 2020; số lượng nhà cung ứng cấp 2 lên 200 doanh nghiệp…
LG Display Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 4/2016 với số vốn 1,5 tỷ USD sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động, màn hình OLED tivi nhưng chỉ sau 6 năm, số vốn đã tăng lên 4,65 tỷ USD.
ĐÓN LÀN SÓNG CHUYỂN DỊCH ĐẦU TƯ VÀ TÁI CƠ CẤU CHUỖI GIÁ TRỊ
Một số chuyên gia nhận xét, với việc tham gia sâu rộng hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty sản xuất sản phẩm điện và điện tử trên thế giới.
Việt Nam đang có có hội đón đầu dòng vốn đầu tư thế hệ mới và dòng vốn tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các nước đối tác lớn và các tập đoàn đa quốc gia. Ngành điện tử là một trong các ngành công nghiệp có nhiều triển vọng nhất đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư. |
Theo ông Phạm Tuấn Anh, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đón làn sóng chuyển dịch đầu tư và tái cơ cấu chuỗi giá trị trong thời gian tới. Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu của các nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc các tập đoàn lớn đang có kế hoạch dịch chuyển hoặc tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng “Trung Quốc +1” đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng mới của thế giới. Qua đó sẽ giúp cải thiện đang kể chất lượng đầu tư.
Thực tế thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn trong khu vực và trên thế giới như Intel, Pegatron, Wiltron… đều bày tỏ sự quan tâm và có kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất các sản phẩm điện tử tại Việt Nam, trong đó có một số sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) cũng đẩy mạnh hơn các hoạt động tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp cung ứng nội địa tại Việt Nam để tăng cường kiên kết chuỗi giá trị của Tập đoàn tại đây.
Gần đây có nhiều thông tin về việc Apple sẽ dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất đồng hồ Apple (Apple Watch), iPad và MacBook đến Việt Nam hoặc Foxconn đầu tư mở rộng ở Bắc Giang để sản xuất các thiết bị sản phẩm này… Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước khởi đầu. Câu hỏi đặt ra là bao giờ Việt Nam sản xuất iPhone?
Thực tế, Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng của Apple từ lâu. Trong chuỗi cung ứng của Apple từ năm 2014 đã có 14 nhà cung cấp từ Việt Nam và đến năm 2020 đã có 21 nhà cung cấp (trong đó toàn bộ là doanh nghiệp FDI).
Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Phước Hải, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam khẳng định hiện nay, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử từ Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cơ hội mới đang mở ra rất lớn cho ngành điện tử. “China +N” là xu thế và không ai lấy được tất cả.
Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong thu hút đầu tư FDI giai đoạn tiếp, chuyên gia này cho rằng, nếu quan tâm đến Apple và ngành điện tử, muốn gia tăng vị thế trong cuỗi cung ứng cho Apple, Việt Nam cần quan tâm thu hút các doanh nghiệp điện tử đến từ Hoa Kỳ, Đài Loan…
Không chỉ là điểm đến dịch chuyển sản xuất, theo GS Nguyễn Mại, điều đáng mừng hơn, Việt Nam còn là điểm đến đặt trung tâm R&D, đổi mới sáng tạo của nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Những trung tâm này sẽ thỏa mãn những điều mà Việt Nam đang thiếu, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.