Đánh giá doanh nghiệp bền vững bằng 119 chỉ số
Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam đã bước sang năm thứ 6.

Tại Lễ phát động Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (“Chương trình CSI”) 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, nhấn mạnh ngày càng doanh nghiệp quan tâm tới sự phát triển bền vững. Vì nó gắn liền với năng lực cạnh tranh, nâng cao khả năng chống chọi trước mọi biến động toàn cầu của doanh nghiệp. Đây là bộ chỉ số không bao giờ đứng yên.

Chương trình CSI đã bước sang năm thứ 6, VCCI tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức Chương trình CSI nhằm tìm kiếm và biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt kinh doanh có trách nhiệm trong cả 3 khía cạnh: kinh tế - xã hội – môi trường.

Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) tiếp tục được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình. Bộ chỉ số CSI 2021 với 119 chỉ số ở 4 lĩnh vực: chỉ số kết quả phát triển bền vững; chỉ số quản trị; chỉ số Môi trường; và chỉ số Lao động – Xã hội.

Dấu ấn quan trọng nhất của CSI 2021 chính là ở sự phân cấp các chỉ số ra thành 3 cấp độ dành cho các quy mô doanh nghiệp khác nhau.

53 chỉ số ký hiệu M dành chung cho tất cả loại hình doanh nghiệp và là các chỉ số tối thiểu dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. 28 chỉ số ký hiệu C (chỉ số cơ bản) dành cho doanh nghiệp vừa và lớn.

Và 38 chỉ số ký hiệu A (chỉ số nâng cao) thể hiện việc doanh nghiệp ngoài việc tuân thủ pháp luật thì còn xây dựng được một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh, đảm bảo các lợi ích kinh doanh bền vững cho đối tác và các bên liên quan khác.

Điểm mới của Chương trình CSI 2021 nằm ở 2 giải thưởng phụ về Bình đẳng giới tại nơi làm việc và Quyền trẻ em trong kinh doanh. Chia sẻ quan điểm, bà Lê Minh Thảo, Điều phối Dự án thúc đẩy quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh (CRBP) trong doanh nghiệp tại Việt Nam, cho biết khảo sát thực hành về quyền trẻ em với hơn 100 doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ giữa quan hệ trẻ em và trong kinh doanh.

Do đó, doanh nghiệp cần tôn trọng và hỗ trợ quyền trẻ em. Quyền trẻ được đưa vào trong Bộ Luật lao động sửa đổi và Luật trẻ em, Công ước 182 của ILO về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, yêu cầu từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhất là CPTPP và EVFTA… Bảo vệ quyền trẻ em trong kinh doanh mang lại lợi ích cũng như tạo danh tiếng cho doanh nghiệp, cải thiện năng suất, thu hút đối tác trong chuỗi cung ứng.

Tôn trọng quyền của trẻ em như một phần chương trình bền vững của doanh nghiệp sẽ giúp xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn, là yếu tố thiết yếu tạo dựng môi trường kinh doanh hiệu quả, hòa nhập và ổn định.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam

Về vấn đề bình đẳng giới trong kinh doanh, bà Lê Thanh Hằng, Giám đốc điều hành Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE), chia sẻ một trong 4 yếu tố thúc đẩy bình đẳng giới và mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp là coi bình đẳng giới là mục tiêu của phát triển bền vững.

Khi một nhóm làm việc có đa dạng giới, thì góc nhìn cũng đa dạng hơn. 6 yếu tố thể hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc, đó là: đa dạng giới trong HĐQT và Ban Giám đốc; công bằng về mặt lương thưởng; bình đẳng giới trong tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng tiến; có chiến lược và chương trình đào tạo cho cán bộ nữ; có chính sách hỗ trợ người lao động trong cân bằng cuộc sống; môi trường làm việc an toàn, được tôn trọng chống phân biệt đối xử và quấy rối.

Hương Loan
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc