Digital marketing giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ bứt phá trong "bão" Covid-19

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp vừa và nhỏ nào cũng có bộ máy marketing ổn định, tốt để đưa công ty phát triển. Digital marketing bao gồm các công việc khác nhau như: Thiết kế web, phát triển chiến lược SEO website hiệu quả, quảng cáo trên các trang mạng xã hội, công cụ tìm kiếm và thực hiện các chiến dịch viral... Tất cả là nhằm mục đích thu hút sự quan tâm, chú ý của người dùng internet đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hiệu quả bán hàng thông qua hình thức trực tuyến.

XU HƯỚNG DIGITAL MARKETING

Theo báo cáo của Wearesocial, tính đến tháng 01/2020, số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam đạt 68,17 triệu người dùng chiếm đến 70% tổng dân số. Theo Báo cáo VietNam Digital Marketing Trends 2021 được thực hiện bởi Novaon và các chuyên gia ngành marketing, ước tính, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 tiếp tục tăng trưởng mạnh, với mức tăng trưởng kép hằng năm (CARG) là 21,5%. Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, tốc độ tăng trưởng có chững lại, nhưng tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến vẫn đạt 820 triệu USD, dự báo năm 2021 đạt 955,7 triệu USD.

Mức đầu tư trung bình của các doanh nghiệp cho các kênh digital marketing trong năm 2020 khoảng 17% tổng doanh thu. Người dân đã coi công nghệ, Internet là công cụ rất hữu ích cho cuộc sống hàng ngày. Thời gian online bình quân của người Việt trong đại dịch đỉnh điểm lên tới 4,2 giờ/ngày và hiện vẫn ở mức 3,5 giờ/ngày… Đó là những chỉ số, là môi trường vô cùng thuận lợi để quảng cáo trực tuyến vượt ngưỡng 1 tỷ USD ngay trong năm nay.

Đối với hầu hết doanh nghiệp thì lượng khách hàng chính của họ sẽ nằm trong 70% dân số sử dụng Internet tại Việt Nam. Sự phát triển của các kênh Digital Marketing như: Mạng xã hội (Social Media), Công cụ tìm kiếm (Google, Bing, …) giúp thông tin được tiếp cận đến người dùng nhanh chóng mà chưa có loại hình truyền thông nào có thể làm nhanh hơn. Vì thế việc quảng bá hình ảnh lên Internet là cách hiệu quả để tiếp cận đến khách hàng cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, digiatl marketing có thể giúp doanh nghiệp kết nối nhiều quốc gia, phá bỏ rào cản địa lý.

Digital marketing bao gồm nhiều công việc khác nhau để tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu.

Digital marketing bao gồm nhiều công việc khác nhau để tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu.

Một ưu điểm nữa của digital marketing so với các phương pháp marketing truyền thống thì chi phí làm digital marketing là khá tiết kiệm kèm theo độ hiệu quả có thể đo lường được. Tất cả thông số đều được hiển thị dưới thời gian thực, doanh nghiệp có thể nhận xét về độ hiệu quả của các chiến dịch digital marketing mà họ đang thực hiện và đưa ra các giải pháp hợp lý để khắc phục hoặc tối ưu để cho ra kết quả tốt nhất.

Digital marketing cũng giúp doanh nghiệp phân loại và xác định đối tượng quảng cáo chính xác hơn so với các phương pháp marketing truyền thống. Doanh nghiệp có thể chọn lọc ra những cho đối tượng mục tiêu mình đang nhắm đến như: giới tính, độ tuổi, thu nhập, khu vực sinh sống… Do đó, doanh nghiệp từ siêu nhỏ, nhỏ và vừa đều có thể cạnh tranh với các “ông lớn” công bằng nếu như áp dụng hợp lý các chiến lược digital marketing. Thị trường online giúp doanh nghiệp nhỏ có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh và marketing mà khi xưa chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có đủ nguồn lực để duy trì.

CÁC DOANH NGHIỆP CẦN LƯU Ý

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp coi digital marketing là một vũ khí kì diệu tạo ra đơn hàng, doanh thu. Thực tế mà nói đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng digital marketing và rất thành công. Tuy nhiên digital marketing cũng là một phần của marketing, để làm tốt cần rất nhiều yếu tố từ kiến thức, kinh nghiệm, sự am hiểu sản phẩm dịch vụ, từ đó lựa chọn được các cách làm digital marketing bài bản, tạo hiệu quả bền vững.

Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần xác định được vai trò của Digital Marketing trong hoạt động tiếp thị của mình, đó có thể là kênh tăng độ phủ, tăng tương tác khách hàng hay là một kênh bán hàng chính yếu.

Cùng với đó, hầu hết các doanh nghiệp không hiểu được mô hình triển khai digital marketing tổng thể, không nắm được những quy trình thực thi và tập trung vào những điều quan trọng, dẫn tới việc thực thi luôn bị vụn vặt và chắp vá, tốn thời gian và nguồn lực rất nhiều. Cũng có nhiều doanh nghiệp vì không có kiến thức và kinh nghiệm, nên không có đủ kiên trì theo đuổi thực thi digital marketing khi thấy việc triển khai không hiệu quả. Chính điều này đã là những rào cản làm cho doanh nghiệp không đi đến cuối con đường của digital marketing.

Theo ông Vũ Thế Anh (Andy Vũ) - Tổng giám đốc tổ hợp truyền thông BeeST Group, Hiệu trưởng học viện DigiMind, xu hướng Purpose Driven Marketing là một xu hướng quan trọng của 2021: các sản phẩm dịch vụ ra đời cần phải giải quyết một mục đích, mục tiêu cụ thể cho xã hội. Điều này giúp cho các sản phẩm dễ dàng thuyết phục được người tiêu dùng, đồng thời có thể phát triển bền vững trong hoạt động kinh doanh của mình.

“Tiếp theo đó, cái doanh nghiệp cần là sự nhanh nhẹn (Agility). Kỷ nguyên số không còn là mảnh đất dành cho sự thích nghi chậm và phản ứng không kịp thời. Sự thay đổi chóng mặt của thị trường bởi các tác động của khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh khiến cho các nhà tiếp thị phải liên tục thay đổi và thích nghi,” ông Thế Anh nói. “Việc người tiêu dùng luôn mong muốn được tiếp nhận thông tin, phục vụ và chăm sóc một cách cá nhân hoá tối đa cũng là một yếu tố quan trọng mà các nhà tiếp thị phải thực sự lưu tâm. Ngay cả việc đơn giản là sử dụng chatbot cũng cần phải con người hơn bởi chỉ có trái tim thì mới dễ dàng chạm đến trái tim”.

Thời gian online bình quân của người Việt trong đại dịch đỉnh điểm lên tới 4,2 giờ/ngày.

Thời gian online bình quân của người Việt trong đại dịch đỉnh điểm lên tới 4,2 giờ/ngày.

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện digital marking đa kênh khi chưa nắm rõ nguồn lực cũng là một sai lầm. Tiếp thị đa kênh mang lại nhiều giá trị như độ nhận diện thương hiệu, tỷ lệ chuyển đổi thành đơn hàng cao,… tuy nhiên, cách làm này khiến doanh nghiệp cần thêm chi phí cho: ngân sách tiếp thị quảng cáo, nhân viên, mặt bằng, cơ sở vật chất, vận chuyển,… Nếu không có đánh giá kỹ lưỡng về đặc điểm của sản phẩm, lựa chọn kênh quảng cáo, doanh số có thể tăng nhưng chưa chắc lợi nhuận đã hơn trước.

Do đó, tùy theo các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, mới lựa chọn phát triển tiếp thị đa kênh hay không. Ví dụ, trong giai đoạn mới khởi tạo, doanh nghiệp nên tối ưu chi phí digital marketing để tăng hiệu suất bán hàng trên một vài kênh mà mình có thế mạnh. Khi doanh nghiệp đi vào ổn định, mới có thể cân nhắc tới các kênh quảng cáo khác, nhằm thúc đẩy độ nhận diện thương hiệu.

Có thể nói, digital marketing tại Việt Nam sẽ không nằm ngoài những xu hướng chuyển đổi số của doanh nghiệp và sự phát triển của nền kinh tế số nói chung. Những giá trị nguyên bản từ sản phẩm, dịch vụ, sự thấu hiểu khách hàng của mình và sự chuẩn bị nhiều kịch bản cho các kế hoạch marketing sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể sinh tồn và bứt phá trong năm 2021 này.

Tuệ Mỹ
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc