Đề xuất loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19
Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa dự thảo hàng loạt đề xuất miễn, giảm thuế phí, tiền sử dụng đất, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi vay…, giúp các doanh nghiệp vượt khó.
Trước những khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng 2021. Theo đó, hàng loạt giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất như: miễn, giảm thuế phí, tiền sử dụng đất, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi vay…, giúp các doanh nghiệp vượt khó.
Cụ thể, để tái cơ cấu nợ vay, hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo hướng cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.
Các doanh nghiệp hàng không tư nhân sẽ được hưởng hỗ trợ ưu đãi về lãi vay, thuế, phí theo dự thảo đề xuất mới nhất của Bộ Kế hoạch và đầu tư
Bộ này cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh.
Sửa đổi, bổ sung nghị quyết 84 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp. Cơ chế này không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà bổ sung thêm doanh nghiệp trong các ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải.
Trong dự thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong giai đoạn 2021-2023 để giúp các hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, Bamboo Airways giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển. Đây là cơ chế mà Chính phủ đã đồng ý cho Vietnam Airlines được hưởng trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng đã được thông qua.
Liên quan tới các hãng bay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi Thông tư 19/2020 cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.
Bộ này cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 2.100 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; đồng thời, trình Thủ tướng tiếp tục áp dụng và có sửa đổi chính sách giảm 15% tiền thuê đất cho đối tượng dừng hoạt động 15 ngày trở lên do ảnh hưởng dịch COVID-19. Tiếp tục cho áp dụng quy định miễn thuế nhập khẩu đối với doanh nghiệp nhập linh kiện về sản xuất máy thở, hoàn thuế cho doanh nghiệp đã nhập khẩu linh kiện về sản xuất máy thở.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép giảm 50% thuế VAT năm 2021 đối với các doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như: hàng không, khách sạn, nhà hàng để giảm giá dịch vụ, kích cầu nội địa. Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất các địa phương giảm thuế VAT về 0% trong 6 tháng cho các doanh nghiệp vận tải, giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ôtô mới đăng ký kinh doanh vận tải.
Với các khoản phí, lệ phí phải nộp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 12/2021; giãn đóng phí công đoàn và giảm 50% phí công đoàn trong hai năm 2020-2021; cho doanh nghiệp vận tải được miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021…
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu ban hành chính sách để khuyến khích, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt ở một số, ngành lĩnh vực hoặc vùng, hoặc vai trò là doanh nghiệp dẫn đầu trong chuỗi giá trị; đặc biệt là các chuỗi giá trị trong nông nghiệp, xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Hiện, dự thảo này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Dựa trên những thông tin cập nhật diễn biến mới của dịch Covid-19, nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2021 sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi cuộc chiến chống dịch trên thế giới và tại Việt Nam chưa thể kết thúc sớm. Nhiều ngành kinh tế quan trọng sẽ tiếp tục trải qua một năm đầy khó khăn và khó đoán định.
Theo đánh giá của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay là mất cân đối dòng tiền. Hiện tượng này bắt đầu nảy sinh từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và ngày càng trầm trọng. Bản thân các doanh nghiệp cũng rất chủ động ứng phó với dịch Covid-19 nhưng tiềm lực và sức chống chịu có hạn. Nhiều khó khăn tích tụ đến nay đã vượt tầm của một doanh nghiệp, trở thành vấn đề của một ngành, một lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của địa phương và cơ quan quản lý nhà nước cũng như ý kiến tham vấn của chuyên gia kinh tế, hiệp hội ngành hàng.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhìn nhận, sau một năm chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình của doanh nghiệp và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Trước thực trạng này, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động cần phải thay đổi theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển thay vì mục tiêu hỗ trợ thanh khoản để cầm cự như thời điểm một năm trước.
Ông Cung cho rằng, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng sẽ khiến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả. Các lĩnh vực được lựa chọn khuyến khích hỗ trợ, đầu tư phải là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư để doanh nghiệp bứt lên nắm bắt cơ hội kinh doanh.