Tiếp sức doanh nghiệp du lịch vượt "bão" Covid-19

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến ngành du lịch rơi vào thế khó. Hầu hết lao động trong ngành đã mất việc và chuyển việc vì không đủ kiên nhẫn. Tính riêng tại Tp.Đà Nẵng, tổng số lao động du lịch ngừng việc, nghỉ việc đến thời điểm này là khoảng hơn 31.800 người, chiếm 62,5% nguồn nhân lực du lịch.

ĐÀ NẴNG: LAO ĐỘNG NGÀNH DU LỊCH ĐƯỢC VAY VỐN

Trong số hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch ở Tp.Đà Nẵng, có hơn 90% doanh nghiệp đóng cửa. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, có đến 1/10 doanh nghiệp là hội viên (tương ứng 1.000 doanh nghiệp) đã giải thể, số còn lại tiếp tục đóng cửa vì dịch Covid-19.

Mới đây, UBND TP.Đà Nẵng đồng ý chủ trương giao cho các sở, ngành nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, mỗi lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian 3 - 5 năm, lãi suất 7,92%/năm theo hình thức vay không thế chấp.

Khoảng thời gian vay từ 3-5 năm được tính toán dựa vào ước lượng thời gian ngành du lịch phục hồi, người lao động lại có việc làm và có thu nhập để hoàn trả khoản vay.

Tại Đà Nẵng hay Hội An, hình ảnh những tuyến phố vốn đông vui đã lùi vào dĩ vãng. 

Tại Đà Nẵng hay Hội An, hình ảnh những tuyến phố vốn đông vui đã lùi vào dĩ vãng.

Người vay vốn phải có địa chỉ thường trú hợp pháp tại TP.Đà Nẵng, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, với mục đích vay để tạo việc làm, vay mở rộng kinh doanh có xác nhận của cơ quan chức năng. Chính sách hỗ trợ này của TP.Đà Nẵng được xem như chiếc phao cứu sinh để người lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn trước mắt.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, hiện số người lao động đã đăng ký vay là gần 2.000 người và Hiệp hội đang tiếp tục nhận đăng ký.

TP.HCM : LÃI SUẤT VAY 0% CHO DOANH NGHIỆP DU LỊCH

Sở Du lịch TP.HCM vừa đề xuất lên UBND TP.HCM các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó tập trung hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp du lịch có thể duy trì bộ máy vận hành, giữ chân người lao động.

Sở đề xuất UBND thanh phố xem xét trình HĐND thành phố chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh TP.HCM hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch.

Chương trình này sẽ không phân biệt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ, với mục đích để doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Theo Sở Du lịch TP.HCM, hiện thành phố có 5.002 doanh nghiệp du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. Với lãi suất 0%, mức hỗ trợ 50% lương tối thiểu vùng trong 3 tháng, thì quy mô khoản vay để trả lương cho người lao động lên đến 208 tỉ đồng.

Trả lương để giữ chân người lao động là một trong những nhu cầu bức thiết hiện nay của các doanh nghiệp, trong khi doanh thu không phát sinh. Ước tính có hàng chục ngàn lao động phải nghỉ việc do dịch.

Ngoài gói vay lãi suất 0%, Sở Du lịch TP.HCM cũng đề xuất xem xét hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong năm 2021. Dự kiến với 20 lớp thì chi phí khoảng 1,2 tỉ đồng, trong đó xã hội hóa 20% (khoảng 240 triệu đồng). Các lớp này dành cho quản lý và lao động trực tiếp tại các dịch vụ lữ hành, nhà hàng, lưu trú, hướng dẫn viên du lịch.

Với các điểm tham quan du lịch, nhóm bảo tàng, khu di tích là sự nghiệp công lập, Sở Du lịch đề xuất miễn phí tham quan cho khách du lịch trong mùa du lịch cuối năm, sau khi dịch được kiểm soát. Để bù đắp nguồn thu vé tham quan tại 5 đơn vị này, thành phố sẽ hỗ trợ 21 tỷ đồng nguồn kinh phí chi trả lương cho người lao động và chi phí thường xuyên.

Theo dự kiến, thời gian hỗ trợ kích cầu sẽ bắt đầu từ tháng 8 đến hết năm 2021. Các điểm được đề xuất gồm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử thành phố, Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.

HÀ NỘI: TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP HỖ TRỢ

Từ cuối tháng 1/2021 đến nay, đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát 2 đợt khiến hoạt động du lịch Thủ đô tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 5 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội vào khoảng 2,89 triệu lượt, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu từ khách du lịch (chỉ bao gồm khách du lịch nội địa) đạt khoảng 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê trong thời điểm hiện nay, tại Hà Nội đã có 95% đại lý lữ hành dừng hoạt động; 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa phải rút giấy phép kinh doanh; số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp, đại lý lữ hành, tương đương với 12.168 người; doanh thu của dịch vụ vận chuyển khách du lịch ước giảm 90 - 98% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều khách sạn vì muốn tiết giảm chi phí nên cho người lao động nghỉ việc và đóng cửa, thậm chí rao bán. 

Nhiều khách sạn vì muốn tiết giảm chi phí nên cho người lao động nghỉ việc và đóng cửa, thậm chí rao bán.

Trước tình hình đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã có các kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch như giảm tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ lực lượng lao động du lịch thất nghiệp..., qua đó giúp các doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn, yên tâm triển khai các chương trình, hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất bổ sung một số chính sách hỗ trợ ngành Du lịch trong thời gian tới. Trong đó, đề xuất cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP trong thời hạn 2 năm để giúp tạo dòng tiền vào doanh nghiệp, hỗ trợ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất.

Tường Bách
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc