Doanh nghiệp Nhật Bản tăng tốc đầu tư vào Việt Nam
Liệu năm 2023 có phải là dấu mốc quan trọng để các nhà doanh nghiệp Nhật Bản tăng tốc đầu tư vào Việt Nam?
Điểm đến ‘không thể bỏ qua’
Một cuộc làm việc trong không khí đầy sự tin tưởng và kỳ vọng vừa diễn ra giữa Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội, ông Nakajima Takeo và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Báo cáo với Bộ trưởng, ông Nakajima Takeo khẳng định, Việt Nam là điểm đến đầu tư mà doanh nghiệp Nhật “không thể bỏ qua”. Nhiều con số trong kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022 đã được ông viện dẫn để chứng minh cho nhận định của mình.
Chẳng hạn, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam năm 2022 là 59,5%, tăng 5,2 điểm phần trăm so với năm trước. Trong khi đó, có tới 53,6% số doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ “cải thiện” hơn về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023 so với 2022.
“Triển vọng lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam hồi phục mạnh sau đại dịch Covid-19”, ông Nakajima Takeo cho biết.
Khi kinh doanh thuận lợi hơn, thì dễ hiểu vì sao số doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam tăng cao hơn. Theo đó, con số là 60%, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm trước, cao nhất trong các nước ASEAN. Ngược lại, chỉ có 1,1% số doanh nghiệp được hỏi trả lời là sẽ “thu hẹp” hoặc chuyển sang nước khác - một tỷ lệ không đáng kể.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đều kỳ vọng vào tiềm năng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường và tăng xuất khẩu. Doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn mở rộng sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao ở Việt Nam”, ông Nakajima Takeo nói.
Theo ông Nakajima Takeo, một cuộc khảo sát khác của Jetro với các công ty mẹ ở Nhật Bản đã chỉ ra rằng, mức độ hấp dẫn của thị trường đầu tư Việt Nam đứng thứ hai sau Mỹ, hơn cả Ấn Độ, Indonesia…
Các kết quả khảo sát trên có vẻ đã phản ánh đúng xu hướng hiện nay của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Thông tin cho biết, cuối tuần này, Aeon Mall dự kiến khởi công xây dựng trung tâm thương mại mới ở Thừa Thiên Huế. Với tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 170 triệu USD), đây sẽ là trung tâm thương mại quy mô lớn của Aeon tại Việt Nam.
Ngoài ra, ông Nakajima Takeo đã nhắc đến việc Fujikin mới đầu tư xây dựng một trung tâm R&D tại Đà Nẵng, hay một số nhà đầu tư Nhật Bản muốn đầu tư tại Quảng Ninh.
Lũy kế đến tháng 1/2023, Nhật Bản đứng thứ 3 trong danh sách các đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam về tổng vốn đăng ký. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn
Vượt trở ngại để tăng tốc đầu tư
Thủ tục hành chính, các vấn đề về tăng lương, tăng chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển, bao gồm cả việc vẫn còn những chi phí không chính thức… đã được Jetro chỉ ra như là một trong những nguyên nhân gây cản trở dòng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
“Những điều này có thể làm mất đi cơ hội đầu tư mới hoặc tiếp tục kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng, Chính phủ chỉ đạo để cải thiện vấn đề này”, ông Nakajima Takeo nói và cũng đã nhắc đến một trong những mong muốn của doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian gần đây, đó là tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng, muốn mua nguyên liệu tại chỗ nhưng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam vẫn chưa cao.
Theo khảo sát của Jetro, hiện tỷ lệ thu mua tại chỗ ở Việt Nam chỉ đạt 37%, trong đó tỷ lệ thu mua từ doanh nghiệp bản địa Việt Nam chỉ đạt 15%. Tỷ lệ này đã được cải thiện hơn trong thời gian qua, nhưng vẫn chậm và thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Liên quan đến vấn đề này, khi trao đổi với ông Nakajima Takeo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị phải làm rõ, ví dụ vướng về thủ tục hành chính thì ở văn bản nào, vấn đề nằm ở quy định pháp luật hay khâu thực thi. Ngay cả với việc chi phí đầu vào tăng lên thì cũng phải làm rõ mặt hàng nào do Nhà nước quản lý, mặt hàng nào do cung - cầu thị trường…
“Nếu giá cả cả thế giới tăng thì Việt Nam cũng không thể ‘đứng ngoài cuộc’. Tiền lương của người lao động cũng thế, không thể không tăng được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và thừa nhận rằng, dù đã cải thiện rất nhiều, song đúng là có chuyện một số thủ tục hành chính còn rườm rà.
“Chúng tôi cần nắm rõ vấn đề nằm ở đâu để có thể giải quyết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản sớm nghiên cứu để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, bởi điều này sẽ giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ mua hàng tại chỗ của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhật Bản đã có thời gian khá dài luôn giữ “ngôi vương” trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Gần đây, xu hướng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đang chậm lại. Năm 2020, con số chỉ là 2,37 tỷ USD; sang năm 2021-2022, tình hình đã được cải thiện hơn, tương ứng đạt 3,9 tỷ USD và 4,78 tỷ USD. Nhiệt điện Ô Môn II, vốn đăng ký 1,31 tỷ USD; Điện khí LNG Quảng Ninh, vốn đăng ký gần 2 tỷ USD là những dự án quy mô lớn mà Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong 2 năm gần đây.
Tuy nhiên, điều mà cả Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và ông Nakajima Takeo kỳ vọng, đó là sẽ có nhiều hơn nữa vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi năm 2023 là năm mà hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Phải làm sao để Việt Nam luôn là điểm đến được lựa chọn cho doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư ra nước ngoài. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng phải có sự chủ động, nhanh chóng hơn trong quyết định đầu tư vào Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đầu năm nay, ông Hirohiko Hirono, CEO Tập đoàn Tenma đã tới Quảng Ninh để đề xuất kế hoạch đầu tư xây dựng một nhà máy ép khuôn nhựa máy in với quy mô 150 triệu USD. Một nhà đầu tư khác - Castem, cũng muốn đầu tư tại đây một nhà máy đúc kim loại với vốn đầu tư 14 triệu USD…