Doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam sẽ có thêm kênh hỗ trợ pháp lý cho hoạt động đầu tư, kinh doanh
Chiều 7/12, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Luật sư Nhật Bản tổ chức Hội thảo "Sự hỗ trợ pháp lý của luật sư Việt Nam và Nhật Bản để tạo điều kiện tốt hơn cho đầu tư quốc tế giữa Việt Nam và Nhật Bản". Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Liên đoàn Luật sư hai nước có nhiều đóng góp tích cực
Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản Trương Thị Mai; Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio; Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh; Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản Mariko Matsumura; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, đại diện các bộ, ngành, tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp của hai nước…
Hội thảo là hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và cung cấp các dịch vụ pháp lý của luật sư thương mại quốc tế hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Đây cũng là diễn đàn để các cơ quan và luật sư liên quan của hai nước cùng thảo luận về các vấn đề pháp luật Việt Nam cũng như những nội dung mà Nhật Bản quan tâm khi hợp tác đầu tư với Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, Hội thảo là sự kiện hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao. Thông qua Hội thảo, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ luật sư của hai nước… sẽ gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe và giải quyết những kiến nghị và đề xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.
"Qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới. Tin tưởng rằng các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung sẽ có nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh thành công hơn nữa tại Việt Nam và gắn kết với đội ngũ luật sư của Nhật Bản và Việt Nam", ông Thịnh nói.
Phát biểu khai mạc trực tuyến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản Mariko Matsumura nhắc tới mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước. Theo bà Mariko Matsumura, Hội thảo là cơ hội rất có ý nghĩa, tạo điều kiện tốt hơn cho đầu tư giữa hai nước.
Phát biểu chào mừng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản Trương Thị Mai cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ngày càng phát triển tích cực, toàn diện và thực chất trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình thịnh vượng ở châu Á.
Giữa hai đất nước cũng đang tiếp tục mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực: Quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo, văn hóa và trên nhiều lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Nhật Bản đã tham gia vào hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế ở nhiều địa phương tại Việt Nam.
Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản Trương Thị Mai đánh giá cao hoạt động hỗ trợ pháp lý của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Nhật Bản. Hai Liên đoàn đã có nhiều đóng góp vào quá trình thúc đẩy hoạt động kinh tế, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản thông qua hoạt động hỗ trợ pháp lý, giúp cho doanh nghiệp 2 nước tiếp cận được thị trường, triển khai hoạt động thuận lợi, đúng pháp luật, phòng ngừa được rủi ro và bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Tin tưởng qua diễn đàn, các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam sẽ có thêm được kênh hỗ trợ pháp lý cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản đề nghị 2 Liên đoàn sẽ ghi nhận đầy đủ các ý kiến của Hội thảo, gửi tới các cơ quan hữu quan để cùng phối hợp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
"Tôi tin rằng một hệ thống pháp luật đảm bảo cũng là cơ sở vững chắc để có được một sự hỗ trợ pháp lý có hiệu quả cao hơn. Chúc cho mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững, chúc mối quan hệ giữa 2 Liên đoàn ngày càng tốt đẹp, hoạt động ngày càng hiệu quả và sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của 2 đất nước", bà Trương Thị Mai nói.
Tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cung cấp, trao đổi các ý kiến đánh giá về xu hướng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản, các yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản về cung cấp dịch vụ pháp lý khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam và các lưu ý hoặc hạn chế khi đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản; các ý kiến, sáng kiến hợp tác, liên kết giữa luật sư Việt Nam và luật sư Nhật Bản…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, các hãng luật Nhật Bản, các công ty luật, luật sư nước ngoài tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp Việt Nam, các bộ, ngành hữu quan, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam với Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức của Nhật Bản; tham gia tích cực hơn nữa trong hỗ trợ pháp lý cho Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, địa phương.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu mong muốn đại biểu tham gia ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm hoàn thiện khung pháp lý về luật sư, hành nghề luật sư, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp.
Trong đó quan tâm hỗ trợ dịch văn bản pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư của Nhật Bản ra tiếng Việt để tham khảo trong quá trình Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư ở Việt Nam trong năm tới.
Đồng thời tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để các sinh viên luật có tiềm năng, các luật sư trẻ, luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế phát triển, có cơ hội học hỏi, cọ sát.
"Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ Việt Nam hoàn thiện khung lý, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thu hút đầu tư cũng như các điều kiện thuận lợi khác để tổ chức và hoạt động của luật sư ngày càng phát triển", Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.