Doanh nghiệp Việt đã đầu tư hơn 5,3 tỷ USD vào Lào
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại triển lãm trong khuôn khổ diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Lào.

Lào là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với 238 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 5,34 tỷ USD.

Nhiều dự án lớn đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, tạo công ăn việc làm, đóng góp tích cực vào sự phát triển của hai nước, được chính phủ hai nước ghi nhận, đánh giá cao, như: dự án đầu tư của các doanh nghiệp gồm: Viettel, tập đoàn HAGL, Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam; dự án tổ hợp sân golf và khách sạn nhà ở của Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh golf Long Thành; hoạt động của chi nhánh các ngân hàng cổ phần Việt Nam tại Lào…

Thông tin tại diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Lào được tổ chức vào sáng 13/12/2022, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết cùng hòa chung trong mối quan hệ hai nước, hợp tác giữa TP.HCM và các địa phương Lào thời gian qua cũng đạt nhiều kết quả tích cực.

TP.HCM hiện đã thiết lập quan hệ hữu nghị với thủ đô Vientiane, tỉnh Champasak, Savanakhet… đồng thời triển khai nhiều hoạt động hợp tác với Xiengkhuang… trên các lĩnh vực nông nghiệp, giao lưu văn hóa, thương mại, y tế, giáo dục, thể dục thể thao và có nhiều công trình tiêu biểu cho những chương trình hợp tác này.

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh các doanh nghiệp thành phố cùng các đại biểu nước bạn hãy tranh thủ mọi thời gian để trao đổi, tìm hiểu, chia sẻ thông tin về các chính sách ưu đãi đầu tư để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động hợp tác thương mại đầu tư giữa 2 nước thời gian tới.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: "Hợp tác giữa TP.HCM và các địa phương của Lào thời gian qua cũng đạt nhiều kết quả tích cực" -Ảnh: VP.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: "Hợp tác giữa TP.HCM và các địa phương của Lào thời gian qua cũng đạt nhiều kết quả tích cực" -Ảnh: VP.

Nhận định diễn đàn là cơ hội cho các ngành và các địa phương của Lào được hợp tác với TP.HCM ngày càng sâu hơn, ông Sonexay Siphandone, Phó Thủ tướng Lào, cho rằng đây là cơ sở cho việc tổ chức triển khai hợp tác thực tiễn trong tương lai.

Trong giai đoạn 2 - 3 năm trở lại đây, Chính phủ Lào đã nỗ lực củng cố cơ sở hạ tầng, cải thiện đường giao thông, bao gồm đường cao tốc, đường sắt, sân bay, phát triển hệ thống cảng cạn; xây dựng và phát triển hệ thống cầu xuyên quốc gia; củng cố dịch vụ vận chuyển hàng hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa nhân dân Lào với các nước trong khu vực.

Lào cũng có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ chế biến, du lịch, nhất là du lịch văn hóa; phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời; nỗ lực trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, dịch vụ vận tải, logistics; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone: "Chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét, đôn đốc và hỗ trợ các bạn sang đầu tư tại Lào ngay càng được thuận lợi và nhanh chóng" - Ảnh: VP.

Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone: "Chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét, đôn đốc và hỗ trợ các bạn sang đầu tư tại Lào ngay càng được thuận lợi và nhanh chóng" - Ảnh: VP.

Phó Thủ tướng Lào ghi nhận các thắc mắc từ các doanh nghiệp của Việt Nam đang đầu tư tại Lào và có ý định sang đầu tư tại Lào trong thời gian tới.

"Chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét, đôn đốc và hỗ trợ các bạn sang đầu tư tại Lào ngay càng được thuận lợi và nhanh chóng", ông Sonexay Siphandone nói.

Còn theo bà Phimpha Keomixay, Tổng lãnh sự Lào tại TP.HCM, Lào và Việt Nam đã ký hiệp định thương mại song phương và thương mại biên giới từ năm 2015. Ngoài ra, hai nước đã phối hợp thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ hai nước cũng như danh mục hàng hóa được miễn thuế 0%.

"Việt Nam hiện nay đứng thứ 3 trong số các quốc gia đầu tư tại Lào. Đến nay nhiều dự án của doanh nghiệp Việt Nam đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được chính phủ hai nước ghi nhận, đánh giá cao", bà Phimpha Keomixay ghi nhận.

Ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, cho biết TP.HCM đã đầu tư vào Lào khoảng 500 triệu USD, với 44 dự án. Đầu tư của Lào thông qua hình thức gián tiếp (góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp) vào TP.HCM đạt khoảng 2 triệu USD, tính đến tháng 11/2020. Kim ngạch thương mại song phương đạt 20 triệu USD.

Ký kết 17 biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) và 1 hợp đồng kinh tế với tổng trị giá gần 4.000 tỷ đồng

Tại diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ và hợp đồng kinh tế. Theo đó, có 17 biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) và 1 hợp đồng kinh tế được ký kết với tổng trị giá gần 4.000 tỷ đồng, trong đó nội dung tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp (phát triển giống cây trồng, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi), năng lượng thủy điện, khoáng sản, thương mại, công nghệ thông tin, du lịch…

 
Mộc Minh
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc