TS Chử Văn Lâm: Cơ hội để doanh nghiệp xây dựng thị trường bán lẻ bền vững
TS Chử Văn Lâm phát biểu tại chương trình Tin dùng Việt Nam năm 2022.

Chương trình có sự tham gia của Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Bộ Công Thương, ông Nguyễn Như Hiếu - Quyền cục trưởng Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà Bán lẻ Việt Nam và ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Chương trình Tin Dùng Việt Nam là sự kiện thường niên được Tạp chí Kinh tế Việt Nam khởi xướng và duy trì từ năm 2006 đến nay. Chương trình gồm các hoạt động khảo sát, thông tin, truyền thông trên các ấn phẩm, chuyên đề của Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times, kết hợp với các sự kiện hội thảo, tọa đàm chuyên sâu.

Năm 2022, chương trình Tin Dùng Việt Nam kỷ niệm 16 năm hành trình kiến tạo và phát triển một cộng đồng kết nối giữa nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh phân phối sản phẩm – dịch vụ và người tiêu dùng Việt Nam.

Chủ đề trọng tâm của chương trình Tin Dùng Việt Nam 2022 là: Nền tảng số củng cố niềm tin. Theo đó, tiêu chí đánh giá và bình chọn tập trung vào các sản phẩm – dịch vụ sáng tạo, đổi mới để tăng tốc phục hồi hậu đại dịch, mang đến được cho khách hàng những trải nghiệm tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao.

Theo TS Chử Văn Lâm, 11 tháng qua, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu.

Với độ mở ngày càng lớn của nền kinh tế, Việt Nam đã phải chịu nhiều áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên, vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

“Trong bối cảnh hậu đại dịch, cả nước tập trung hồi phục kinh tế, ngành bán lẻ, dịch vụ Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp để từng bước ổn định thị trường, phát triển các kênh phân phối, đồng thời chủ động đưa ra nhiều phương án thích ứng với nhu cầu tiêu dùng mới.

Đây cũng là lúc các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt tâm lý tiêu dùng; điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với các biến động của thị trường để thích ứng và hồi phục. Nhưng đây cũng là cơ hội để ngành bán lẻ nhìn lại để tự thân đổi mới mình một cách toàn diện, đồng thời khắc phục những khiếm khuyết trong giai đoạn trước đây để thực hiện ngày càng tốt hơn hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”, TS Chử Văn Lâm phát biểu.

Theo TS Chử Văn Lâm, cuộc sống “bình thường mới” sẽ dẫn đến những xu hướng và hành vi tiêu dùng mới. Với khả năng ứng biến linh hoạt khi rủi ro xảy ra, các nhà bán lẻ năm 2022 ngày càng chú tâm hơn vào việc số hoá cơ cấu hoạt động trong doanh nghiệp.

Chuyển đổi số không những trực tiếp giúp các thương hiệu nắm bắt trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số, mà còn giúp các nhà bán lẻ tối ưu vận hành, quản lý vận hành dễ dàng, quản lý tốt đội ngũ nhân viên, nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển phát điện tử, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành cũng giúp khách hàng có trải nghiệm xuyên suốt hơn và thuận tiện hơn.

Do đó, nền tảng số cho thấy hành vi, thói quen, nhu cầu của khách hàng càng chi tiết bao nhiều, càng được cá nhân hóa tối đa, thì càng trở thành trợ lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp để nâng cao doanh số bán hàng.

Năm nay, chương trình đặc biệt vinh danh các sản phẩm, dịch vụ đã áp dụng nền tảng số để kích cầu mua sắm, tạo ra không gian trải nghiệm khách hàng đa nền tảng, giúp truy xuất nguồn gốc sản  phẩm và thanh toán không chạm...

"Trong khuôn khổ của Lễ công bố và vinh danh Top 100 các sản phẩm – dịch vụ Tin Dùng năm 2022, tại khán phòng này, mỗi doanh nghiệp bằng câu chuyện thực tế của mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm về kế hoạch và chiến lược chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới cùng với những dữ liệu hành vi khách hàng để có thể phục hồi kinh doanh, thậm chí tìm thấy cơ hội để phát triển và bứt tốc.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hợp tác với nhau theo mô hình kinh tế chia sẻ, mỗi bên đều có điểm mạnh riêng, hỗ trợ nhau cùng xây dựng một thị trường bán lẻ bền vững", TS Chử Văn Lâm nói thêm.

Đỗ Mến
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc