Hội nghị GEFE 2022: 11 doanh nghiệp Na Uy muốn đóng góp vào quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam
Gian trưng bày của Norsk Solar tại sự kiện - Ảnh: Đại sứ quán Na Uy

Đây là các công ty đã, đang và sẽ hoạt động tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đa dạng từ năng lượng tái tạo tới kinh tế tuần hoàn bao gồm quản lý hiệu quả chất thải nhựa, sản xuất cơ khí, vận tải biển và đóng tàu, nông nghiệp thông minh và các dịch vụ công nghệ tư vấn và hỗ trợ.

Gian trưng bày của Na Uy đã giới thiệu tới các đại biểu tham dự Diễn đàn và khách tham quan sự đa dạng về chuyên môn, công nghệ và giải pháp mà các doanh nghiệp Na Uy có thể mang tới để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và các cam kết về môi trường đưa ra tại COP26. 

Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Mette Møglestue; Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại Na Uy (Innovation Norway) khu vực châu Á, Ông Ole Henæs, và Giám đốc Thương vụ Innovation Norway tại Hà Nội, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy, Ông Arne-Kjetil Lian đã khai trương Gian Trưng Bày của Na Uy tại Diễn đàn và cùng với đại diện của 11 công ty đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các vị khách quý và khách tham quan Gian trưng bày của Na Uy.

“Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến tổ chức GEFE2022 của EuroCham. Là một phần của Châu Âu, chúng tôi rất vui được tham gia sự kiện này. Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu của thế giới. Để đạt được mục tiêu này không thể không có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các ngành công nghiệp và các đối tác xã hội vì họ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch công bằng tới một tương lai tái tạo, tuần hoàn và bền vững", Phó Đại sứ Na Uy Mette Møglestue chia sẻ tại sự kiện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm gian trưng bày của Na Uy - Ảnh: Đại sứ quán Na Uy

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm gian trưng bày của Na Uy - Ảnh: Đại sứ quán Na Uy

Bà nhấn mạnh, cùng với 11 công ty Na Uy tham gia GEFE2022 hôm nay, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và cơ quan thương vụ Innovation Norway mong muốn thể hiện sự cam kết và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như các cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại COP26 ở Glasgow năm 2021 và đã được khẳng định lại trong Bản cập nhật Mức Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam tại COP27 ở Hy Lạp vừa qua.

“Mô hình hợp tác công tư (PPP) đã được coi là một giải pháp hiệu quả để các chính phủ huy động nguồn lực và sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình hoạch định và thực hiện chính sách kể cả chính sách tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh”, Phó Đại sứ Møglestue nói thêm.

Theo Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy, ông Arne-Kjetil Lian, thông qua công nghệ tiên tiến, các giải pháp thông minh và các mô hình kinh doanh bền vững của mình, doanh nghiệp có thể góp phần giảm phát thải khí C02 và thúc đẩy các thông lệ tiêu dùng vàn sản xuất xanh, thân thiện với môi trường.

"Hầu hết trong số 11 công ty tham gia Gian trưng bày của Na Uy hôm nay đã và đang hoạt động ở Việt Nam, một số đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Các công ty của chúng mang tới GEFE2022 những công nghệ vượt trội, những giải pháp thông minh, các sáng kiến mới mẻ và kinh nghiệm phong phú để phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải Co2, thúc đẩy nền kinh tuần hoàn và chuỗi giá trị bền vững. Các công ty Na Uy chia sẻ mối quan tâm và thiện chí hợp tác với các cơ quan hữu quan trong nước và đối tác doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu này. Cơ quan Innovation Norway tại Việt Nam là chiếc cầu nối của các doanh nghiệp Na Uy và Việt Nam”, ông Lian nói.

Phó Đại sứ Møglestue và đại diện các công ty Na Uy - Ảnh: Đại sứ quán Na Uy

Phó Đại sứ Møglestue và đại diện các công ty Na Uy - Ảnh: Đại sứ quán Na Uy

Cũng chia sẻ tại sự kiện, giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại Na Uy Innovation Norway khu vực châu Á ông Ole Henæs nhận xét “thật thú vị khi quan sát sự dịch chuyển sang nền kinh tế xanh hơn và bền vững hơn ở các quốc gia trong khu vực.

Theo ông, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á trong hai năm qua, Việt Nam đang có lợi thế đang kể. Kinh tế xanh mang lại nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư xanh của nước ngoài, đồng thời tăng cường hợp tác kinh doanh trong khu vực.

"Việt Nam cần triển khai thực hiện chương trình nghị sự xanh của mình để thực hiện các cam kết đầy tham vọng về môi trường theo Thỏa thuận Paris và tại COP26, và được tái khẳng định tại COP27 vừa qua. Khu vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Tôi có mặt ở đây để khẳng định rằng Innovation Norway và cộng đồng doanh nghiệp Na Uy ở Việt Nam cũng như trong khu vực sẵn sàng chung tay và nỗ lực để làm cho nền kinh tế khu vực xanh hơn và tạo ra một xã hội phát thải thấp hơn”, ông Henæs nói.

Nguyễn Tuyến
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc