Vĩnh Phúc: Tăng cường kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong tỉnh
Là một trong những trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí ô tô, xe máy và điện tử ở phía Bắc, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh từng bước tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng các chuỗi liên kết, Vĩnh Phúc đã triển khai các hoạt động hỗ trợ liên kết, kết nối các doanh nghiệp DDI của tỉnh với các doanh nghiệp FDI, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia sâu vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 16 doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng của các ngành xe máy, điện tử, ô tô, máy nông nghiệp và cơ khí chế tạo của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, chiếm 5% trong số hơn 300 doanh nghiệp toàn quốc là nhà cung cấp lớp 1 của các doanh nghiệp FDI, xếp thứ 4 toàn quốc; nhiều doanh nghiệp Vĩnh Phúc đã hoặc đang liên kết với các doanh nghiệp FDI và nhận được sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp FDI về áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến, tiêu chuẩn kỹ thuật và cử chuyên gia đánh giá tiêu chuẩn chất lượng.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp FDI còn rất ít và chủ yếu là nhà cung cấp lớp 2, lớp 3; tỷ lệ doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng chưa cao. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp nội địa có quy mô nhỏ nên gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư vào công nghệ, chưa chủ động tham gia liên kết hoặc không đủ tự tin đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất của các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, năng lực liên kết còn hạn chế, giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp nội còn quá cao so với sản phẩm cùng loại do doanh nghiệp FDI sản xuất… Ngoài ra, còn do áp lực về quy mô sản xuất, thời gian giao hàng và doanh nghiệp nội còn thiếu thông tin về nhu cầu của các đối tác, khách hàng…
Để nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI, hướng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian tới, cùng với việc hoàn chỉnh Đề án “Hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, Vĩnh Phúc sẽ xây dựng, thành lập nhóm chuyên trách thúc đẩy liên kết, kết nối doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp FDI.
Đồng thời, xây dựng chính sách ưu đãi về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp DDI đầu tư vào các ngành công nghiệp ưu tiên của tỉnh; hình thành các cụm công nghiệp liên kết theo ngành, lĩnh vực với khu công nghiệp nhằm hình thành hệ sinh thái công nghiệp; nâng cao năng lực các doanh nghiệp DDI của tỉnh theo mỗi nhóm doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của khách hàng FDI để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.