Gần 2,9 tỷ USD vốn FDI đổ vào TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2023
Cùng với bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 khởi sắc, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào TP.HCM cũng tăng trưởng mạnh với hơn 30% so với cùng kỳ, giúp địa phương này tiếp tục duy trì trong top 10 Thành phố có triển vọng tốt về môi trường đầu tư…
Theo Cục Thống kê TP.HCM, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đầu tư FDI đổ vào TP.HCM đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Với kết quả này, TP.HCM tiếp tục duy trì vị trí trong top 10 địa phương được các doanh nghiệp có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài đánh giá có triển vọng tốt về môi trường đầu tư.
Nếu xét về số dự án, TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (38,9%), số dự án điều chỉnh (24,9%) và góp vốn mua cổ phần (65,4%).
Cụ thể, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 514 dự án, tăng 69,1% với vốn đăng ký đạt 231 triệu USD, tương đương về vốn so với cùng kỳ; trong đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy với 207 dự án, vốn đăng ký là 93,9 triệu USD, chiếm 40,6% vốn đăng ký cấp mới.
Kế đến là hoạt động xây dựng với 3 dự án, vốn đăng ký là 53,7 triệu USD, chiếm 23,3%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 137 dự án, vốn đăng ký 44,5 triệu USD, chiếm 19,3%; hoạt động thông tin và truyền thông có 85 dự án, vốn đăng ký là 11,1 triệu USD, chiếm 4,8%.
Về quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư, Singapore là quốc gia dẫn đầu về dự án cấp phép mới với 89 dự án, vốn đăng ký đạt 126 triệu USD, chiếm đến 54,6% vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản với 43 dự án, vốn đăng ký 21,7 triệu USD, chiếm 9,4%; Hong Kong (Trung Quốc) với 36 dự án, vốn đăng ký đạt 12,7 triệu USD, chiếm 5,6%.
Vốn đầu tư FDI đổ vào TP.HCM trong nửa đầu năm 2023 tăng 30,7% chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng lựa chọn môi trường đầu tư của thành phố. |
Về dự án điều chỉnh vốn, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố có 163 lượt dự án điều chỉnh vốn đăng ký, tăng 139,7% với số vốn điều chỉnh tăng 458 triệu USD; trong đó, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ có 43 dự án, vốn đăng ký 194,6 triệu USD chiếm 42,5% vốn đăng ký điều chỉnh.
Ngoài ra, hoạt động thông tin và truyền thông có 30 dự án, vốn đăng ký 133 triệu USD, chiếm 29,0%; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có 57 dự án, vốn đăng ký 56,9 triệu USD, chiếm 12,4%. Hoa Kỳ là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất, đạt 215,1 triệu USD, chiếm 47,0% vốn đăng ký điều chỉnh.
Về hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố có 1.089 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 2.203,2 triệu USD, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng lưu ý, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có số vốn góp đạt 1.505,6 triệu USD, chiếm 68,3% tổng vốn góp; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có số vốn góp là 253,7 triệu USD, chiếm 11,5%; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy có số vốn góp đạt 229,1 triệu USD, chiếm 10,4%. Đặc biệt, hoạt kinh doanh bất động sản có số vốn góp đạt 99,6 triệu USD, chiếm 4,5%. Nhật Bản và Singapore là hai quốc gia có tỷ trọng vốn góp cao nhất lần lượt chiếm 69,6% và 16,7%.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, thành phố đang xây dựng Đề án thu hút vốn FDI giai đoạn 2023-2025 tầm nhìn 2030 nhằm hướng tới nhà đầu tư chiến lược (rót vốn từ 30.000 tỷ đồng cho dự án thông thường hoặc từ 3.000 tỷ đồng vào dự án nghiên cứu đổi mới sáng tạo). Đề án này kỳ vọng đến năm 2025 thu hút trên 50 dự án công nghệ cao với ít nhất một tập đoàn công nghệ cao tên tuổi lớn, tổng vốn đầu tư ít nhất đạt 3 tỷ USD.
Đồng thời, mục tiêu là tỷ lệ vốn đăng ký đầu tư của nhóm nhà đầu tư trọng điểm đạt 70% tổng vốn giai đoạn 2023-2025. Ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Trước đây, TP.HCM chủ yếu thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, thì hiện nay có thể thấy đã có sự dịch chuyển mới trong số các dự án lớn được cấp phép đầu tư. Trong số này, các dự án thuộc ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo, bất động sản, khoa học công nghệ và thông tin truyền thông… chiếm ưu thế. Đây cũng là lĩnh vực mà thành phố muốn đẩy mạnh thu hút vốn FDI.
Theo nhận định của các chuyên gia, với việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP.HCM, trong đó có các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho thành phố thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế số, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải liên thông, kết nối (đường bộ, cảng biển, hàng không); dịch vụ chất lượng cao (tài chính, ngân hàng, logistics, viễn thông, vận tải, du lịch…); nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch… đã góp phần giúp địa phương này thu hút vốn đầu tư.
Theo Uỷ ban nhân dân TP.HCM, lũy kế từ ngày 1/1/1988 đến ngày 20/5/2023, trên địa bàn thành phố có 11.868 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt hơn 56,8 tỷ USD. Với con số này, TP.HCM dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước.