Hút vốn xanh từ các quỹ đầu tư quốc tế để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
Tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nước ngoài nhằm huy động tài chính xanh là định hướng quan trọng trong chiến lược cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới...
Chiều 25/11, Bộ Ngoại Giao, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu từ và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tổ chức
Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 30 quỹ đầu tư/tổ chức tài chính quốc tế.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: “Thời điểm năm 2021 chúng ta đều kỳ vọng vào sự phục hồi toàn diện của kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19, nhưng đến nay, có thể nói con đường đó đang hết sức khó khăn, nhiều chông gai và không bằng phẳng. Bối cảnh này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các nước, nhất là các nước đang phát triển trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế - xã hội cũng như đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”.
Chia sẻ về tầm nhìn chiến lược trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng những biến động của kinh tế thế giới cộng hưởng với những xu thế nổi lên như chuyển đối số, chuyển đổi xanh, tái định hình các chuỗi cung ứng và sản xuất đặt ra các yêu cầu mới, cấp bách trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các quốc gia đứng trước yêu cầu tăng cường hơn nữa năng lực thích ứng, khả năng chống chịu, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, bảo đảm các cân bằng chiến lược giữa ngắn hạn và dài hạn, đồng thời tận dụng các động lực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thu hút hiệu quả các nguồn lực cho tăng trưởng bền vững. Ở cấp độ quốc tế, tăng trưởng bền vững là vấn đề toàn cầu với trách nhiệm chung của các quốc gia và các chủ thể tham gia. Do đó, việc thiết lập 2 quan hệ đối tác công bằng, đối tác công - tư và nhiều bên hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững là hết sức cần thiết.
Với vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, quan trọng của cả nước, chiếm gần 65,3% tổng tài sản và gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang xây dựng và thực hiện chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết ba định hướng của Uỷ ban Quản lý vốn trong thời gian tới.
Thứ nhất, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trên cơ sở khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, phát triển các tập đoàn, tổng công ty gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển doanh nghiệp. Ưu tiên phát triển/hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ số, công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.