“Không có quyền thay đổi thể chế, nhưng chúng tôi sẽ minh bạch thể chế”
Mô hình tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phát huy hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh “chưa từng có tiền lệ”.

Sự kiện Vĩnh Phúc “nhảy bậc” vươn lên vị trí thứ 5 đầy ngoạn mục trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, theo lời của Chủ tịch Lê Duy Thành, chỉ là điểm khởi đầu cho sự trở lại của Vĩnh Phúc trong “cuộc đua” cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh cấp tỉnh.

“Năm 2022 sẽ tiếp tục là năm vất vả của bộ máy chính quyền. Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu kỹ từng chỉ số mà doanh nghiệp đánh giá, để cải thiện tốt hơn nữa môi trường kinh doanh”, Chủ tịch Vĩnh Phúc chia sẻ.

Nếu nhìn vào 10 chỉ số thành phần tính PCI 2021, Vĩnh Phúc chỉ có 3 chỉ số giảm điểm, bên cạnh 7 chỉ số tăng điểm. Đó là chỉ số Gia nhập thị trường (từ 8,33 điểm xuống 7,02 điểm), Tính minh bạch (6,34 điểm giảm xuống 5,63 điểm) và Đào tạo lao động (từ 6,94 điểm xuống 6,81 điểm).

Vì vậy, tập trung vào các chỉ số chưa cải thiện hay có cải thiện nhưng chưa được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận nỗ lực cải cách sẽ là những ưu tiên của Vĩnh Phúc trong việc nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.

“Chúng tôi sẽ bắt đầu với chỉ số về tính minh bạch”, Chủ tịch Vĩnh Phúc nói.

“Không có quyền thay đổi thể chế, nhưng chúng tôi sẽ minh bạch thể chế” - Ảnh 1

Là cấp chính quyền địa phương, ông Lê Duy Thành cho biết Vĩnh Phúc không có quyền thay đổi thể chế, nhưng Vĩnh Phúc sẽ minh bạch thể chế, hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực thi.

Cùng với nâng cao tính minh bạch, lãnh đạo Vĩnh Phúc cũng đặt mục tiêu cải thiện điểm số chỉ số Năng động của chính quyền cho dù chỉ số này tăng 0,61 điểm so với năm 2020.

Việc cải thiện chỉ số Năng động của chính quyền, theo ông Lê Duy Thành, là cần thiết, “bởi chính quyền hiểu doanh nghiệp, quan tâm đến doanh nghiệp và thật sự vào cuộc cùng với doanh nghiệp sẽ tạo ra sức mạnh để giải quyết khó khăn vướng mắc, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh”.

“Tuy vậy, việc phải thay đổi tư duy và phương pháp, cách tiếp cận của đội ngũ cán bộ, công chức là không dễ”, ông Lê Duy Thành nhấn mạnh.

Dù không dễ, song đây là vấn đề không thể không thực hiện. Công tác cán bộ luôn là một trong những ưu tiên của Chủ tịch Vĩnh Phúc và được ông nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp với các sở ngành địa phương.

“Trung ương nói rất nhiều về công tác cán bộ. Vĩnh Phúc cũng làm nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng… Nhưng quan trọng là phải thay đổi tư duy nhận thức, phải suy nghĩ không cũ về điều không mới”, Chủ tịch Lê Duy Thành nêu quan điểm.

Đặc biệt, để theo dõi, đánh giá hiệu quả của cán bộ, Vĩnh Phúc thực hiện chính sách “việc không chuyển, chuyển người” để cán bộ tự nhìn lại và tự đánh giá “việc của mình là gì? hàng ngày làm gì? việc đã chuyển chưa? mình thấy chuyển mà cả bộ máy chưa thấy chuyển thì sao?”.

“Nói thì vậy thôi nhưng thế là tạo áp lực để cả bộ máy phải chuyển động”, ông Lê Duy Thành nhấn mạnh.

Chỉ trong một năm, tỉnh Vĩnh Phúc từ vị trí thứ 29 (năm 2020), tăng vọt 24 bậc, vươn lên vị trí số 5 trên Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021.

Để đạt được bước nhảy vọt về thứ hạng này, Vĩnh Phúc đã có sự cải thiện điểm số mạnh ở nhiều chỉ số thành phần, từ đó giúp tổng điểm tăng 5,85 điểm so với năm 2020 và cao hơn hẳn so với điểm số 10 năm trở lại đây.

Điều này cho thấy Vĩnh Phúc đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá rất cao về nỗ lực cải thiện điểm số và thứ hạng ở một loạt chỉ số thành phần như Chi phí thời gian (xếp thứ 3 cả nước), Chi phí không chính thức (xếp thứ 3), Cạnh tranh bình đẳng và Tiếp cận đất đai (cùng đứng vị trí thứ 7).

Cụ thể hơn, kết quả PCI 2021 ghi nhận 93,9% doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cán bộ giải quyết thủ tục hành chính làm việc hiệu quả (cao thứ 6 toàn quốc); 93,2% doanh nghiệp cũng đánh giá các cán bộ này có thái độ thân thiện (cao thứ 2 cả nước); và 89,5% doanh nghiệp đồng ý rằng nhìn chung thời gian thực hiện các thủ tục hành chính tại tỉnh ngắn hơn so với quy định (thành tích tốt thứ 3 cả nước).

Đặc biệt, mô hình tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh được nhắc đến như một bài học kinh nghiệm của sự năng động, sáng tạo trong điều hành ở bối cảnh “chưa từng có tiền lệ”, khi dịch bệnh xuất hiện.

Chính quan điểm “phải biết doanh nghiệp đang khó khăn, vướng mắc gì, hàng hóa đang tắc ở đâu, vướng chốt kiểm tra nào, vì sao để chỉ đạo trực tiếp, thay vì đợi báo cáo theo quy trình thông thường” của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã khiến các doanh nghiệp của tỉnh có được những cảm nhận tích cực trên.

Anh Nhi
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc