Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và đạt mức tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra.
Lạc quan với ngưỡng tăng trưởng 7-7,9%
Các nhà phân tích rủi ro quốc gia tại Fitch Solutions (đơn vị chuyên nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Tập đoàn Fitch) cho rằng, mức tăng trưởng 5,22% trong quý IV/2021 là chứng minh cho nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và đây cũng là cơ sở để họ lạc quan dự báo đà phục hồi sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2022.
Với những yếu tố cơ bản thuận lợi và phạm vi bình thường hóa các hoạt động sản xuất - kinh doanh được mở rộng, Fitch Solutions dự đoán, kinh tế Việt Nam sẽ “tăng trưởng vượt xu hướng” trong những quý tới. Theo đó, trên nền tăng trưởng 2,58% vào năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,0% trong năm 2022, cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Chính phủ đề ra.
Fitch Solutions đặt nhiều kỳ vọng rằng, khu vực dịch vụ sẽ phục hồi mạnh mẽ khi những gián đoạn hoạt động do dịch Covid-19 sẽ giảm bớt và một số “chồi xanh” của ngành du lịch sẽ vươn lên trong nửa cuối năm 2022. Lý giải cho dự đoán này, các chuyên gia Fitch Solutions cho rằng, các hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam sẽ được “bình thường hóa” hơn nữa trong năm 2022, bất luận tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn do bùng phát Covid-19.
Nền kinh tế Việt Nam hiện có khả năng chống chọi tốt hơn với các đợt bùng phát Covid-19 sau khi Chính phủ tăng tốc triển khai thực hiện chương trình tiêm chủng trong thời gian qua. “Số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng kể từ khi Việt Nam nới lỏng các biện pháp hạn chế trong quý IV/2021, nhưng các nhà chức trách vẫn chưa có dấu hiệu áp dụng các đợt phong tỏa mới”, Fitch Solutions nêu.
Bên cạnh đó, dữ liệu xu hướng di chuyển của Google cho thấy, các hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam đã dần phục hồi trong quý IV/2021, khớp với tình hình tăng trưởng của quý và xu hướng này sẽ thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ năm 2022. Khi các hoạt động đi lại, kinh doanh dịch vụ được bình thường hóa nhiều hơn, chi tiêu cho các dịch vụ này sẽ tăng lên, đồng thời thúc đẩy các chỉ số tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022.
Quý I là giai đoạn các nhà máy có thể sẽ quay trở lại hoạt động hết công suất, cũng như Chính phủ đưa ra chương trình kích thích kinh tế. Chúng ta có thể nhận thấy sự phục hồi một cách rõ ràng hơn trong tháng 3 năm nay. Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam tại Ngân hàng Standard Chartered |
Mặt khác, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 12/2021 cũng củng cố triển vọng lạc quan cho nền kinh tế năm 2022. PMI đã tăng từ 52,2 trong tháng 11/2021 lên 52,5 trong tháng 12, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 3 liên tiếp. Dẫn báo cáo PMI tháng 12, Fitch Solutions lưu ý tín hiệu đáng mừng là số liệu việc làm đã đánh dấu mức tăng đầu tiên trong 6 tháng, khi người lao động quay trở lại làm việc trong bối cảnh một số gián đoạn chuỗi cung ứng được tháo gỡ.
Ngoài dịch vụ, sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng cũng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhờ việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch trong nước, cùng việc mở cửa biên giới hơn nữa để đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. “Chúng tôi tiếp tục đánh giá Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, đặc biệt liên quan đến ngành sản xuất có giá trị thấp chuyển ra khỏi Trung Quốc. Điều này sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng”, các nhà phân tích Fitch Solutions lưu ý.
Cùng hệ sinh thái Fitch, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo, tăng trưởng Việt Nam sẽ đạt mức 7,9% trong năm 2022 và 6,5% vào năm 2023 khi sự phục hồi được thiết lập. Fitch Ratings cho rằng, xuất khẩu - lĩnh vực đạt tăng trưởng 19% vào năm 2021, sẽ dẫn dắt tăng trưởng của Việt Nam, bởi xuất khẩu của Việt Nam vẫn vượt trội trong khu vực nhờ lợi thế cạnh tranh về chi phí, sự chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc và một loạt các hiệp định thương mại quan trọng.
Covid-19 vẫn là rủi ro lớn
Dù lạc quan với triển vọng năm 2022, song Fitch Solutions không quên cảnh báo rủi ro tăng trưởng khi một đợt bùng phát Covid-19 đáng kể xảy ra có thể buộc chính quyền tái áp dụng một số biện pháp hạn chế nếu ngành y gặp quá tải. Với biến thể dễ lây lan Omicron và mối đe dọa về khả năng xuất hiện các biến thể mới, các chuyên gia Fitch Solutions cho rằng, “không thể loại trừ sẽ có thêm những gián đoạn đối với sự phục hồi kinh tế Việt Nam”.
Còn ông Tim Leelahaphan (chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam tại Ngân hàng Standard Chartered) nhận định, dịch Covid-19 tiếp tục là một rủi ro lớn, ít nhất trong ngắn hạn. “Nền kinh tế sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2022 khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu cải thiện. Tốc độ gia tăng thu nhập tại Việt Nam trong những năm gần đây cao hơn chi tiêu, từ đó mang đến một nguồn dự trữ tiết kiệm giúp chống chọi với đại dịch”, ông Tim Leelahaphan nêu.
Standard Chartered dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 6,7%. Ngân hàng này đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 lên 7% và nhận định Việt Nam tiếp tục có triển vọng tích cực trong trung hạn.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, lạm phát có thể sẽ trở thành mối quan ngại trong năm 2022. Các yếu tố về nguồn cung, như giá cả hàng hóa tăng cao hơn do tác động của dịch bệnh, sẽ là nguyên nhân chính trong ngắn hạn. Dịch bệnh kéo dài có thể sẽ dẫn đến rủi ro lạm phát do vấn đề nguồn cung. Do đó, Standard Chartered dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ đạt 4,2% trong năm 2022 và 5,5% vào năm 2023.