Lên kế hoạch thu hút FDI có chất lượng, lấp khoảng trống khi dòng vốn ngoại đang vào chậm
Ảnh minh họa.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy tính đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Mức sụt giảm này đã thể hiện rõ khó khăn chung trong ngắn hạn của nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trước nhiều rủi ro và biến động trong năm 2022. Đó là xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại mặc dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên thế giới và tại Việt Nam do ảnh hưởng từ một số yếu tố cơ bản như xung đột chính trị tại một số quốc gia trên thế giới; áp lực giá cả và lạm phát tăng cao; nhu cầu hàng hoá toàn cầu có xu hướng giảm; điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt; đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục hoàn toàn.

“Những yếu tố này đang gây áp lực giảm đáng kể lên dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2022, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam, tác động làm giảm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022”, bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, nhận định tại buổi công bố Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 ngày 29/12.

Lên kế hoạch thu hút FDI có chất lượng, lấp khoảng trống khi dòng vốn ngoại đang vào chậm - Ảnh 1

Tuy tổng vốn FDI đăng ký giảm 11% nhưng cấu phần vốn FDI điều chỉnh lại tăng mạnh về cả vốn đầu tư cũng như số lượt dự án điều chỉnh trong năm 2022 (tăng tăng 12,2% số vốn và tăng 12,4% số lượt điều chỉnh).

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn mạnh vào Việt Nam cho thấy Việt Nam tiếp tục được xem là cứ điểm sản xuất quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Điều này thể hiện rất rõ ở dòng vốn chảy vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2022 với hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn như dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD; dự án công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE  (TP.HCM) tăng trên 841 triệu USD; ngoài ra là các dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD.

Đặc biệt, cùng với việc điều chỉnh tăng vốn đầu tư, các nhà đầu tư tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn. Theo ghi nhận của Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án FDI giải ngân khoảng gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là con số giải ngân cao kỷ lục Việt Nam ghi nhận.

“Mức tăng này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam ở hiện tại cũng như tương lai”, ông Hoàng cho biết.

Lên kế hoạch thu hút FDI có chất lượng, lấp khoảng trống khi dòng vốn ngoại đang vào chậm - Ảnh 2

Tuy vậy, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu chững lại, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới.

Theo bà Phí Thị Hương Nga, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu và xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiêp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.

Tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.

Đặc biệt, theo đại diện Tổng cục Thống kê, cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy; kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Chú trọng công tác đối thoại chính sách, có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI, nhất là về thủ tục hành chính, đất đai…

“Ngoài ra, cần chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam để có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong việc thu hút dòng vốn FDI có chất lượng”, bà Nga nêu quan diểm.

Anh Nhi
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc