Lộc Trời muốn “cạnh tranh sòng phẳng với các nhà cung cấp lương thực châu Á”
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 (Nguồn: DNCC).

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) vừa được tổ chức. 

Về tỷ lệ chia cổ tức, Lộc Trời sẽ áp dụng chính sách tăng 5% qua từng năm. Từ mức 20% năm 2021 (bằng tiền mặt) tăng dần đến 30% vào năm 2023. 

Tuy nhiên, công ty không công bố kế hoạch kinh doanh kèm theo. Lý giải về thắc mắc này của cổ đông, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Lộc Trời cho biết, Lộc Trời đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh đến 2024. Nhưng trong phạm vi đại hội, Lộc Trời chỉ trình bày kế hoạch từng năm. 

Song, mục tiêu mà Tập đoàn này hướng đến năm 2024 là trở thành doanh nghiệp có tầm vóc lớn hơn và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nhà cung cấp lương thực châu Á. 

Ngoài ra, quá trình chuyển sang sàn HOSE cũng được cổ đông Lộc Trời quan tâm khi kế hoạch này có từ năm 2018. 

Về việc chuyển sàn, ông Thuận cho rằng, “đây không phải trách nhiệm của Tổng giám đốc mà là quyết định của cổ đông”. Cá nhân ông Thuận cũng mong muốn Lộc Trời có thể niêm yết tại các sàn lớn hơn. 

Với kế hoạch doanh thu thuần hơn 14.100 tỷ cùng 400 tỷ đồng lãi trong năm nay, ban lãnh đạo Lộc Trời tự tin sẽ đạt được.

Dù vậy, Tổng giám đốc Lộc Trời cũng nhắc đến đặc thù của ngành nông nghiệp luôn phải chịu sự chi phối của thời tiết và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Ví dụ, đại dịch dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp này, của đối tác và của hệ thống logistics ngưng trệ. 

“Có nhiều yếu tố trong năm 2021 chúng tôi không lường trước được. Do đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng là lời hứa mà có thể đạt. Nếu thực hiện cao hơn mức cam kết chính là lợi ích của cổ đông và nhân viên được hưởng”, ông Nguyễn Duy Thuận nói.

.
Kế hoạch kinh doanh năm 2021 đã được thông qua của Lộc Trời (Đvt: tỷ đồng).

Đại hội của Lộc Trời thông qua tất cả các tờ trình về kết quả kinh doanh năm 2020, chia cổ tức 15%, kế hoạch kinh doanh 2021, lập các Quỹ dự phòng rủi ro cho nhân viên và Quỹ hỗ trợ nông dân (720 tỷ đồng).

Lộc Trời gọi 2 Quỹ dự phòng này là “tích cốc phòng cơ”, cho 2 đối tượng quan trọng nhất trong tiến trình phát triển của Tập đoàn gồm nông dân và người lao động. 

Cụ thể, Quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân có giá trị 360 tỷ đồng và Lộc Trời sẽ là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên trên thế giới thành lập quỹ riêng để hỗ trợ nông dân trong quá trình triển khai mô hình chuỗi sản xuất nông sản đồng bộ. 

Quỹ dự phòng rủi ro do thiên tai dịch bệnh cũng có quy mô 360 tỷ đồng nhằm duy trì mức thu nhập ổn định ngay cả trong các trường hợp xấu nhất cho toàn bộ đội ngũ nhân viên của Lộc Trời. 

Ban lãnh đạo công ty cho rằng, hai quỹ trên là “thuyền cứu sinh” cho nông dân và cán bộ công nhân viên khi có biến động lớn về thiên tai, dịch bệnh. 

Đây là tài sản bằng tiền mặt được trích từ lợi nhuận sau thuế sau khi Tập đoàn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận dự kiến và chỉ được sử dụng theo mục đích nêu trên.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, Lộc Trời đang kỳ vọng vào mô hình hợp tác xã kiểu mới được ban lãnh đạo công ty lý giải là lấy việc ký hợp đồng thương mại với đơn vị mua hàng (trong và ngoài nước) làm trung tâm. 

Theo đó, Lộc Trời sẽ tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu, triển khai kế hoạch sản xuất, cung ứng toàn bộ vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, quy trình canh tác, quản lý mùa vụ, hệ thống ứng dụng quản lý mùa vụ hợp chuẩn, đảm bảo “3 bao” cho nông dân gồm bao tiêu, bao bệnh, bao lợi nhuận. 

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời cho biết, mô hình hợp tác xã kiểu mới đảm bảo tư duy kinh tế thay cho tư duy sản xuất, vận hành kinh tế nông nghiệp hướng tới lợi ích bền vững cho nông dân và các thành tố khác trong hệ sinh thái.

Việc nghiên cứu và triển khai ứng dụng mô hình này sẽ là tiền đề cho sự phát triển đột phá của Tập đoàn trong bối cảnh mới.

Trước đây, Lộc Trời bán hàng theo nhu cầu, không có định lượng cụ thể và dự báo chính xác. Từ năm 2020, Tập đoàn chuyển biến bằng cách làm việc với nông dân về lượng giống, phân thuốc cho từng vụ, cho từng thị trường theo quy trình cụ thể. 

Đồng thời, vì các loại hàng hóa cho từng cây trồng cho từng thị trường đều khác nhau nên Lộc Trời phải có kế hoạch cung ứng và kiểm soát chất lượng cho từng thị trường.

Kế hoạch này được chuyển cho bà con nông dân thông qua hoạt động cung ứng của đại lý.

Đối với lúa, Lộc Trời bán hàng ba lần theo vụ gồm tháng 10 và tháng 11 cho vụ Đông Xuân, tháng 3 cho vụ Hè Thu và tháng 7 cho vụ Thu Đông. 

Như vậy sẽ giúp nâng cao hiệu quả, đồng thời phải có đủ hàng hóa tồn kho tương ứng với từng địa bàn cụ thể thể. Hiện nay, hàng hóa của Lộc Trời được chuẩn bị theo từng vụ mùa, địa bàn, thị trường và hợp tác xã.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Hồng Phúc
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc