Muốn xuất khẩu nông phẩm sang EU phải có “hộ chiếu” Global G.A.P
Không có cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt tại EU nếu không có Global G.A.P

Trong phiên tư vấn “Global G.A.P – Hộ chiếu tiếp cận thị trường nông phẩm EU” ngày 19/11 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, nhận định sản phẩm nông sản Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính.

“XIN LỖI, CHÚNG TÔI KHÔNG BIẾT VIETGAP”

Anh là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Dù đã đạt được thành công nhất định song việc triển khai, đưa hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này còn nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên do chính là việc mở rộng vùng trồng đạt chuẩn Global G.A.P còn chậm, do đó thiếu nguyên liệu đạt chuẩn EU để xuất khẩu. Trong khi nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông sản chất lượng cao để đưa vào các kênh phân phối của EU rất lớn.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, nhìn thấy rõ các khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang EU khiến các doanh nghiệp chưa gặt hái được thành công như mong muốn. Mà một trong những nguyên nhân mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa thành công trong tiếp cận thị trường nông phẩm của EU bởi vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp có hiểu biết chưa đầy đủ về Global G.A.P.

“Các bạn có thể nghe nhiều, biết nhiều về các cơ hội xuất khẩu nông sản sang EU nhưng có lẽ chưa hiểu hết những thách thức, khó khăn, những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường EU”, ông Cường nói.

Trong thời gian làm việc tại Pháp, Bỉ, Anh, nhiều lần ông Cường đã được nghe các doanh nghiệp nhập khẩu châu Âu hỏi câu đầu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam là sản phẩm được ông bà sản xuất theo tiêu chuẩn nào?

Nhiều doanh nghiệp Việt tự tin nói: “Sản phẩm của chúng tôi sản xuất rất tốt theo tiêu chuẩn VietGap, có thể đáp ứng các yêu cầu mà các nhà nhập khẩu châu Âu mong muốn”.

“Chúng tôi không biết VietGap, rất xin lỗi các bạn”, nhà nhập khẩu EU lắc đầu. Vậy là doanh nghiệp Việt hết cơ hội nói chuyện. Trong khi câu trả lời đầu tiên các nhà nhập khẩu EU mong muốn nhận được từ doanh nghiệp Việt Nam là sản xuất theo Global G.A.P. “Như thế cơ hội tiếp cận thị trường, dành được sự quan tâm của các nhà nhập khẩu châu Âu mới có”, ông Cường chia sẻ.

"Global G.A.P có bộ tiêu chuẩn rất dài, chi tiết được cả thế giới và EU áp dụng thì không phải chỉ với mục đích là giấy thông hành. Đó chính là lý do người EU đặt tiêu chuẩn Global G.A.P như một tiền đề để bắt đầu đặt vấn đề kinh doanh với đối tác”.

Ông Nguyễn Huy, chuyên gia Global G.A.P, Eurofins Group.

Ông Nguyễn Huy, chuyên gia Global G.A.P, Eurofins Group, cho rằng điều đáng buồn rất nhiều công ty vẫn cho rằng Global G.A.P chỉ là tờ giấy chứng nhận để bán được hàng.

Bán được hàng cho khách ban đầu đã rất khó nhưng để giữ được khách hàng EU 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa thì cần chất lượng ổn định ở từng container hàng xuất đi, không bị cảnh bảo, không bị thu hồi do sử dụng chất cấm.

CHUYỂN TỪ TẬP QUÁN SẢN XUẤT THEO KINH NGHIỆM SANG TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ

Chính vì thế, ông Cường cho rằng các doanh nghiệp cần hiểu tại sao có Global G.A.P thì mới tiếp cận được thị trường nông phẩm châu Âu. Đã kinh doanh nông phẩm tại châu Âu, phải biết về Global G.A.P nếu không, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể vươn tới thị trường EU được.

Nếu không có, coi như không có cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt tại EU. Muốn đưa sản phẩm vào EU cần chơi cùng luật chơi của họ chứ không thể theo luật riêng của mình.

TS. Hán Quang Hạnh, nghiên cứu tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh đang công tác tại Học viện nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Global G.A.P là bộ quy trình hướng dẫn sản xuất an toàn hơn từ đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Là chứng nhận quá trình sản xuất, thu hoạch không chứng nhận sản phẩm, tạo tin tưởng cho người tiêu dùng, tiếp cận được thị trường cao cấp, sản phẩm đi được xa hơn.

Tuy nhiên, do quy hoạch xây dựng trang trại chưa hợp lý; đa số chưa lập kế hoạch, quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản; chưa quan tâm đúng mức tới việc ghi chép, theo dõi quá trình sản xuất; chưa quan tâm đúng mức tới phúc lợi của người lao động, vấn đề chất thải và ô nhiễm môi trường; chưa thường xuyên đánh giá và cải tiến quy trình sản xuất; công nhân chưa được tập huấn đầy đủ, chưa thực hiện theo đúng quy trình sản xuất đã đặt ra… khiến các doanh nghiệp trong nước khó khăn trong việc xây dựng và đạt tiêu chuẩn Global G.A.P. 

Để khắc phục điều này, theo ông Hạnh, doanh nghiệp cần tìm hiểu và tuân thủ các điểm kiểm soát theo tiêu chuẩn Global G.A.P, tự đánh giá nội bộ và tự cải tiến, có thể thuê chuyên gia tư vấn.

Còn theo ông Cường, những khó khăn trên không phải không vượt qua được, nếu gặp được các chuyên gia thì vượt qua được hết. Nông nghiệp Việt Nam đã được thế giới thừa nhận là kỳ tích của châu Á khi từ một nước đói nghèo vươn lên thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn. Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi, người nông dân giàu kinh nghiệm và rất giỏi.

"Vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là chuyển biến tập quán sản xuất theo kinh nghiệm sang tiêu chuẩn quốc tế, chuyển sản xuất từ tiêu chuẩn của thị trường trung bình sang giai đoạn sản xuất cho thị trường cao cấp để đạt giá trị gia tăng lớn hơn, phát triển nông nghiệp bền vững hơn”, ông Cường nhấn mạnh.

Gần đây liên tiếp các cảnh báo từ thị trường EU đối với trái cây, các sản phẩm nông sản Việt Nam không đạt chuẩn. Như sản phẩm đùi ếch đông lạnh do chứa chất cấm nitrofurans (furazolidone) mức dư lượng 17 µg/kg-ppb, sản phẩm bưởi của nhà sản xuất “Nguyen Truc Thuy” chứa chất cấm propargite 0,23 ppm và fenobucarb 0,032 ppm vượt ngưỡng cho phép.
Hay đầu tháng 10/2021, Bộ Công Thương thông báo thu hồi lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ hoàng tại Bỉ do phát hiện có dư lượng tricyclazolevượt vượt mức cho phép.
Cũng trong tháng 10, một số nông sản như chôm chôm, mộc nhĩ khô, hạt tiêu đen, bột quế, hay sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU cũng bị cảnh báo dư lượng các chất có hại, thậm chí sản phẩm chôm chôm còn phát hiện có chất cấm.

Vũ Khuê
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc