Nâng chất dòng vốn đầu tư và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Ông đánh giá thế nào về kết quả thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp thành phố Cần Thơ những năm qua?

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua, hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Cần Thơ đạt nhiều kết quả đáng kể: Đến hết 31/5/2022, thành phố có 181 dự án đang triển khai, gồm 97 dự án DDI với diện tích đất sử dụng 2.457,4 ha (Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý, theo dõi 65 dự án với tổng vốn 36.452 tỷ đồng) và 84 dự án FDI với tổng vốn 2,05 tỷ USD. Nhiều dự án FDI có vốn đầu tư lớn như: Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (1,3 tỷ USD); Nhà máy sản xuất giày thể thao (171,5 triệu USD); Nhà máy xử lý chất thải rắn (47 triệu USD)…

Cũng đến 31/5/2022, trên địa bàn có 10.003 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 103.005 tỷ đồng và 2.061 chi nhánh, văn phòng đại diện. Các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực gồm: thương mại dịch vụ (chiếm 69%), công nghiệp xây dựng (30%) và nông nghiệp (01%).

Nhìn chung trong thời gian qua thành phố đã luôn quan tâm đến đến các hoạt động thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn FDI và phát triển doanh nghiệp. Cần Thơ đã luôn tích cực, chủ động giới thiệu, quảng bá hình ảnh, vị thế và tiềm năng, chính sách, dự án mời gọi qua nhiều hình thức: Tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư; tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư, tiếp xúc và làm việc trực tiếp với các đối tác trong và ngoài nước... Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo quyết liệt, gắn liền với việc khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa;…

Tuy vậy, việc thu hút đầu tư còn bộc lộ những hạn chế: vốn FDI còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn; phần lớn dự án FDI quy mô nhỏ; tỷ lệ giải ngân còn thấp so với vốn đăng ký. Nhiều dự án trong lĩnh vực xây dựng đô thị, thương mại triển khai chậm tiến độ gây lãng phí về đất đai, ảnh hưởng đến người dân và đến môi trường đầu tư. Một số vướng mắc về quy định đầu tư chưa được giải quyết, điển hình như việc phê duyệt các quy hoạch liên quan và việc phê duyệt danh mục dự án cần thu hồi đất làm cơ sở mời gọi đầu tư. 90% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và với năng lực hạn chế, chủ yếu khai thác thị trường trong nước…

Định hướng thu hút đầu tư của thành phố những năm tới là như thế nào, thưa ông?

Trên cơ sở quy hoạch phát triển và tiềm năng, lợi thế sẵn có, thành phố đã xác định hướng thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 gồm:

- Theo ngành, lĩnh vực: thu hút đầu tư về công nghiệp chế biến; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp công nghệ cao; đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển dịch vụ du lịch sinh thái miệt vườn và sinh thái; công nghệ thông tin; điện tử; logistics; năng lượng sạch. Thành phố tập trung chuyển hướng sang các dự án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng hiệu quả và tái tạo tài nguyên, thân thiện môi trường và mang hàm lượng tri thức cao, đồng thời ưu tiên thu hút các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa tại các quận trung tâm bên cạnh Ninh Kiều, gồm Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng.

- Theo đối tác:

+ Về FDI: Khuyến khích, thu hút nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính và khả năng đầu tư ổn định cũng như có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Thành phố tập trung xúc tiến hợp tác đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Ấn Độ, Hoa Kỳ và châu Âu.

+ Về DDI: Khuyến khích doanh nghiệp lớn, có uy tín đã xây dựng mối quan hệ lâu dài và chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất dự án. Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư các dự án theo định hướng của thành phố, chủ động liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để nâng cao năng lực và tính cạnh tranh.

Ngày 5/4/2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 75/KH-UBND thực hiện Chương trình số 24-Ctr/TU ngày 31/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tài năng trẻ giai đoạn 2021 - 2030. Với vai trò cơ quan tham mưu, triển khai, ông có kỳ vọng điều gì đối với quá trình “đổi mới sáng tạo” và việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Cần Thơ?

Trên địa bàn Cần Thơ hiện có nhiều tổ chức tham gia hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, VCCI Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ,…, trong đó có 04 khu làm việc chung, Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Vườn ươm Đại học Cần Thơ và nhiều tổ chức thúc đẩy kinh doanh đổi mới sáng tạo, cùng với trên 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Theo Kế hoạch, thành phố phấn đấu đến năm 2025, có 18.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động, trên 80% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, giải pháp số; trên 30% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 2026-2030, quy mô và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được cải thiện; củng cố, nâng cấp các mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất hiện có để phát triển thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc các ngành tiềm năng nền kinh tế.

Ðể đạt được mục tiêu đề ra, thành phố tập trung các nhóm nhiệm vụ, giải pháp: phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh để phù hợp với tình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho doanh nghiệp phát triển; tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; tham gia chuyển đổi số; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… Ðối với hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố đẩy mạnh hoạt động truyền thông, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối  hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng Ðề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ…

Hy vọng với những giải pháp của thành phố cùng sự hỗ trợ từ các Viện, Trường và sự nỗ lực nội tại các doanh nghiệp trên sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh mới, tạo thị trường mới, thu hút các nguồn lực tài trợ của các đối tác, nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Đánh giá của ông về Chỉ số thành phần Gia nhập thị trường của thành phố thời gian qua. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ đang thực hiện các giải pháp, hoạt động nào nhằm cải thiện điểm số, thứ hạng mạnh mẽ hơn chỉ số trên thời gian tới?

Những năm qua, chỉ số Gia nhập thị trường của thành phố có biến động, tăng giảm qua từng năm nhưng hầu hết vẫn duy trì điểm tổng hợp trên 07 điểm, cao nhất là 8,65 điểm. Theo đó, thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp giảm dần qua từng năm, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mới trung bình 2,2 ngày (quy định 03 ngày làm việc).

Có được kết quả trên là nhờ vệc cải cách thủ tục đăng ký doanh nghiệp được triển khai quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bộ thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp đã được chuẩn hóa từ quy trình, thủ tục, biểu mẫu, xử lý tập trung bằng Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia và các ứng dụng khác trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia, nổi bật là ứng dụng đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã góp phần cải thiện rất nhiều trong việc giúp các doanh nghiệp gia nhập thị trường. Tính đến 31/5/2022, tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng của Cần Thơ đạt 71,27%. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa thí điểm mô hình trả kết quả một số thủ tục đăng ký doanh nghiệp trong thời gian 01 ngày làm việc. Những điểm còn có thể cải cách trong cấp đăng ký doanh nghiệp vẫn tiếp tục được nghiên cứu để đề xuất các giải pháp triển khai trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, để nâng điểm của chỉ số gia nhập thị trường các nội dung cần tập trung cải thiện:

- Nâng cao chất lượng việc hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả đăng ký doanh nghiệp, cấp phép kinh doanh có điều kiện của cơ quan chuyên môn.

- Đẩy mạnh tuyên truyền mô hình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm nâng tỷ lệ hồ sơ nộp qua mạng, tăng tính hiệu quả và minh bạch.

- Nghiên cứu, đề xuất các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính để gia nhập thị trường nhanh chóng, hiệu quả.

- Đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, chuyên môn cho cán bộ làm công tác hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả.

- Thực hiện liên thông trao đổi hồ sơ, thủ tục, kết quả giữa các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng góp phần xây dựng chính quyền số.

- Thực hiện chuyển đổi số trong công tác đăng ký doanh nghiệp nói riêng và cấp phép có điều kiện nói chung.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum
Link bài viết gốc