Nhà đầu tư lớn quan tâm Dự án cảng Liên Chiểu
Dự án cảng Liên Chiểu đang trở thành “tọa độ” thu hút nhiều nhà đầu tư, mở ra cơ hội “bùng nổ” cho ngành logistics Đà Nẵng và “kích cầu” kinh tế địa phương này.
“Nút giao” cả trên bờ lẫn mặt biển
Nằm ngay cửa ngõ TP. Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu có vị trí, thế mạnh về giao thương, nhất là lợi thế của “nút giao” cả trên bờ lẫn mặt biển. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đây là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Theo Quy hoạch Phát triển hạ tầng logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 5778/QĐ-UBND ngày 3/12/2018 và đã lồng ghép vào Đồ án Quy hoạch chung điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg với tổng diện tích 229 ha, cảng Liên Chiểu là một trong 5 trung tâm logistics lớn của Đà Nẵng. Vai trò của trung tâm logistics này là cảng biển, quy mô đến năm 2030 là 30 ha, đến năm 2045 đạt 69 ha.
Dù các tiềm năng, thế mạnh đã được nhận diện, nhưng thời gian qua, tiến trình “kích cầu” kinh tế khu vực này còn chậm. Suốt nhiều năm, cảng Liên Chiểu chỉ hình thành một cầu cảng thô sơ và kho xăng dầu tại chân đèo Hải Vân… nằm “chắp vá” cùng đôi ba chiếc thuyền, thúng đánh cá của ngư dân.
Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022 tổ chức mới đây và ngay sau đó là Hội thảo Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống do Báo Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức đã tạo ra xung lực mạnh mẽ cho Dự án cảng Liên Chiểu. Theo đó, đây là một trong 7 dự án trọng điểm mà Đà Nẵng đang kêu gọi tư nhân đầu tư.
Là tập đoàn chuyên về cảng và tiếp vận hàng đầu của Ấn Độ, Tập đoàn Adani bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến Dự án cảng Liên Chiểu. Ông Sandeep Mehta, Chủ tịch Tổng công ty phát triển cảng của tập đoàn này khẳng định, Đà Nẵng sẽ là điểm khởi đầu trong hành trình của Adani tại Việt Nam.
“Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với TP. Đà Nẵng và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ và đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu cùng với toàn bộ khu tiếp vận và khu công nghiệp tại Đà Nẵng, đưa khu vực này trở thành cửa ngõ kinh tế của miền Trung Việt Nam”, ông Sandeep Mehta cho biết.
Ông Sandeep Mehta đánh giá, quy hoạch tổng thể được đề xuất để phát triển cảng Liên Chiểu cũng như các khu tiếp vận và khu công nghiệp đã được UBND TP. Đà Nẵng xây dựng rất tốt. “Tập đoàn Adani cam kết phát triển cảng Liên Chiểu trở thành trung tâm cảng đẳng cấp thế giới và biến Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế thương mại của toàn khu vực miền Trung”, ông Sandeep Mehta cho hay.
Không chỉ Tập đoàn Adani, liên danh 2 tập đoàn BRG và Sumitomo cũng đã làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng về kế hoạch đầu tư cảng Liên Chiểu. Theo thiết kế mà liên danh này đưa ra, khi được đầu tư, cảng Liên Chiểu có thể mời gọi tàu lớn ghé vào cảng, phát triển cảng phù hợp cho tàu lớn hơn (hiện mới thu hút được tàu có tải trọng 2.800 TEU, tương lai sẽ đón tàu tải trọng 12.000 TEU).
Sớm hoàn thiện quy hoạch, đưa vào khai thác
Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng (chủ đầu tư Dự án cảng Liên Chiểu) cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2050, cảng Liên Chiểu đạt công suất 50 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, khảo sát cảng Liên Chiểu hôm 26/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, công suất trên chỉ mới “đếm” nguồn tại chỗ. “Người ta phải ‘đếm’ cái tương lai để làm cái hiện tại, chứ không phải ‘đếm’ cái hiện tại để làm tương lai”, Thủ tướng nhắc nhở.
Về quy hoạch cảng hàng hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi: “Sông Cu Đê cứ chảy ra ngoài cảng này thì nạo vét quanh năm hay sao?”. Ông Lê Thành Hưng cho biết, trong 5 năm đầu, lượng bồi lắng từ sông Cu Đê đổ về thấp. Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng tính toán bài toán kinh tế ở đây, vì nếu nạo vét thường xuyên thì tàu hàng không vào được, cũng giống như đang làm đường thì xe không thể đi.
Về đường kết nối đến cảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, nếu chỉ có 3 km đường bộ, thì nên làm 10 làn đường, thay vì chỉ làm 6 làn đường và hạ tầng giao thông kết nối với cảng Liên Chiểu phải làm trước. “Bây giờ làm 6 làn đường thì sau này phải làm lại, vì khối lượng hàng hóa lưu thông nhiều và nhanh”, Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải và Đà Nẵng phải đổi mới tư duy, tầm nhìn phải xa về vấn đề này.
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, một số bến của cảng Liên Chiểu cần phải đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư. “Huy động được nguồn vốn tư nhân thì rất tốt. Các bến cảng kêu gọi nhà đầu tư để họ khai thác vì đây là khu tiềm lực”, Thủ tướng chia sẻ.
Về quy hoạch bến dầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, đây sẽ là nơi rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. “Việc đầu tư tại cảng Liên Chiểu phải rất linh hoạt và hài hòa lợi ích các bên. Mà muốn hài hòa thì phải bàn, tìm cơ chế xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch để sớm đưa cảng Liên Chiểu vào quản lý, khai thác.
Hợp phần B (giai đoạn khởi động) có tổng diện tích 44 ha, quy mô 2 cầu cảng (750 m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác.