Nhiều "ông lớn" trong ngành điện tử tiếp tục đầu tư tại Việt Nam
Nhiều "ông lớn" trong ngành điện tử tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam thông qua các dự án lớn. Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa và Đà Nẵng tiếp tục trở thành các địa phương nhận được các đầu tư rất lớn từ các dự án FDI này.
Thông tin này được Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự công bố trong báo cáo vừa phát hành về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam trong quý 3/2021, dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý 4/2021 và đầu năm 2022.
NHIỀU DOANH NGHIỆP LỚN TIẾP TỤC ĐẦU TƯ VÀ MỞ RỘNG SẢN XUẤT
Theo báo cáo của Navigos Group, thị trường đang chứng kiến nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử vẫn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam thông qua các dự án lớn. Trong đó, có các dự án xây các trung tâm nghiên cứu (Research & Development – R&D) lớn. Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa và Đà Nẵng tiếp tục trở thành các địa phương nhận được các đầu tư rất lớn từ các dự án FDI này.
Một số các doanh nghiệp tại phía Bắc trong mảng này, do có các phương án phòng chống Covid-19 hiệu quả, nên vẫn duy trì được hoạt động sản xuất tốt. Thậm chí, có sự tăng trưởng nhẹ do nhận được nhiều đơn hàng sản xuất được chuyển về từ các chi nhánh khác đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bên cạnh đó, thị trường cũng quan sát thấy nhu cầu tuyển dụng lớn các ứng viên biết tiếng Trung do có sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Cũng do ảnh hưởng của Covid-19 ít hơn so với miền Nam, nên đa số các doanh nghiệp dệt may tại phía Bắc vẫn đang duy trì sản xuất tốt ở thời điểm hiện tại. Rất nhiều doanh nghiệp có thêm các đơn hàng từ các vùng khác tại châu Á chuyển về Việt Nam, do các vùng này chưa kiểm soát tốt dịch bệnh.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may lớn và có uy tín đang rất ổn về đơn hàng hiện nay. Có những công ty đã nhận đơn hàng tới tận tháng 4/2022 và vẫn đang cần tuyển thêm lao động. Một số công ty cho biết lợi nhuận của họ thậm chí tăng gấp đôi trước đây.
DOANH NGHIỆP CÓ NHU CẦU TĂNG TUYỂN DỤNG
Dự báo việc tuyển dụng có thể tăng do tăng đơn hàng từ một số doanh nghiệp nhưng cũng không quá nhiều. Ngoài ra, các doanh nghiệp nếu tuyển thì đa số sẽ là tuyển dụng thay thế cho các nhân sự đã nghỉ việc đồng thời củng cố thêm đội ngũ với những vị trí cần tay nghề và kỹ thuật cao.
Tín hiệu tuyển dụng tích cực cũng xuất hiện ở ngành ngân hàng, khi các đơn vị trong ngành này đang chạy đua chuyển đổi số nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao vẫn tăng.
Theo đó, không chỉ các ngân hàng có quy mô lớn, các ngân hàng nhỏ hơn và một số công ty chứng khoán cũng đã lên kế hoạch và đầu tư cho việc chuyển đổi, thành lập các Ban dự án/Khối chuyển đổi.
Vì vậy, nhu cầu nhân sự các cấp cho các vị trí công nghệ thông tin, chuyển đổi số vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt là các vị trí phát triển ứng dụng, phát triển công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số.
Dự báo của Navigos Search cho thấy, cuộc chạy đua về chuyển đổi số này vẫn đang tiếp diễn đối với các ngân hàng, các công ty có nguồn lực và chiến lược bền vững nên nhu cầu đối với các nhân sự chất lượng cao nói trên vẫn tăng.
Trong khi đó, ngành điện - điện tử, cơ khí và đồ gỗ khu vực phía Nam lại giảm 70% nhu cầu tuyển dụng do nhà máy phải đóng cửa tạm thời.
Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở TP.HCM và các tỉnh lân cận nên các doanh nghiệp trong mảng điện – điện tử, cơ khí và sản xuất đồ gỗ gặp rất nhiều khó khăn.
Các doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động thì cần phải thực hiện chính sách 3T, dẫn đến các tốn kém về chi phí, khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn việc đóng cửa tạm thời để khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ mở cửa trở lại.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ sẽ hoãn tuyển dụng và ngừng tuyển trong quý 4/2021. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp tập trung phòng chống dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn hoặc chủ duy trì ở mức thấp.
Các ứng viên trong mảng này do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên không cởi mở với các cơ hội mới nhằm đảm bảo sự an toàn trong công việc. Chính vì vậy, thị trường cũng vẫn khan hiếm ứng viên tiềm năng cho các vị trí đang cần tuyển.
Trong quý 4, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ đang dần mở cửa trở lại, dự báo nhu cầu tuyển dụng có chiều hướng tăng nhẹ vào đầu năm 2022. Các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng mảng thương mại vẫn đang tuyển dụng, tuy nhiên dự báo quý 4 nhu cầu tuyển dụng có thể giảm nhẹ so với quý 3.