Những thương vụ thâu tóm ngược của doanh nghiệp Việt
Nutifood vừa mới chính thức thông báo về việc mua lại 51% cổ phần của công ty thực phẩm chức năng Cawells ở Thụy Điển. Đây là thương vụ mới nhất mà một doanh nghiệp Việt vươn ra tầm quốc tế.
Thương vụ thâu tóm của Nutifood
Mới đây, Nutifood đã thông báo chính thức về việc họ đã hoàn tất thủ tục nắm quyền chi phối Cawells, công ty thực phẩm bổ sung của Thụy Điển. Theo đó, Nutifood đã mua lại 51% cổ phần của công ty thực phẩm chức năng tầm trung Cawells ở Thụy Điển. Đây được coi là một thương vụ khá lạ lẫm ở Việt Nam. Bởi từ trước tới nay, hầu như chỉ có các doanh nghiệp ngoại thâu tóm các thương hiệu Việt chứ ít khi có trường hợp “ngược dòng” như thế này.
Theo thông tin từ trang web của công ty, Cawells được thành lập từ năm 2015, có trụ sở chính tại Motala, Thụy Điển. Công ty còn khá non trẻ dù trước đó, họ đã phát triển, sản xuất các sản phẩm từ cuối những năm 1990.
Trên thực tế, đây là một công ty thực phẩm bổ sung tầm trung, với hơn 120 sản phẩm khác nhau, bao gồm tất cả mọi thứ từ vitamin và khoáng chất, sản phẩm dành cho trẻ em, sản phẩm giảm cân và luyện tập thể thao. Đến nay, các sản phẩm Cawells đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Thụy Điển, Na Uy, Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia Trung Đông như: UAE, Kuwait, Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập...
Trong khi đó, khởi đầu của Nutifood là doanh nghiệp được thành lập bởi các dược sĩ, kỹ sư Trạm Nghiên Cứu Dược Liệu - Sở Y Tế TP.HCM, sản xuất các loại kẹo bổ multivitamin, viên ngậm mentha, cốm bổ trẻ em… Cho đến năm 2000, Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm (tên ban đầu của NutiFood) đã được thành lập. Năm 2008, doanh nghiệp này đã trở thành lần đầu tiên ra mắt công chúng khi IPO thành công. Và cho đến năm 2012, Công ty chính thức đổi tên thành Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood.
Nutifood đã có những bước đầu tiên thâm nhập thị trường Thụy Điển vào năm 2018 với nhà máy Nutifood Sweden AB. Dự án liên doanh do Nutifood sở hữu 50%, tập đoàn Backahill của tỉ phú Erik Paulsson sở hữu 25% và Skånemejerier Ekonomisk Förening sở hữu 25%. Dự án này đã đưa vào vận hành năm 5 năm 2019. Đến năm 2020 công ty mua lại 100% dự án và đổi tên thành Nutifood Sweden đồng thời thành lập viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển (NNRIS).
Với thương vụ mới nhất khi nắm quyền chi phối Cawells, đây được coi là một bước đi quan trọng trong chiến lược trở thành tập đoàn về dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam và khu vực của Nutifood, khi hệ sinh thái sản phẩm của họ ngày càng đa dạng và toàn diện.
Những thương vụ “ngược dòng”
Như đã nói ở trên, từ trước tới nay, hầu như chỉ có các doanh nghiệp ngoại thâu tóm các thương hiệu Việt chứ ít khi có trường hợp “ngược dòng”, thâu tóm các thương hiệu ngoại của các doanh nghiệp Việt. Điển hình, trong số những thương hiệu Việt phải “bán mình” cho các doanh nghiệp ngoại người ta có thể điểm qua để thấy một loạt các tên tuổi lớn, như Diana, Bibica, Tribeco, hay là Sabeco…
Tuy nhiên, trong khoảng chục năm trở lại đây, đã xuất hiện nhiều thương vụ của các doanh nghiệp Việt mua lại các công ty ngoại. Đó là một chỉ báo về sự chuyển mình và trỗi dậy của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Có thể nhìn thấy trong danh sách này là những cái tên quen thuộc như Masan Group, Vingroup, FPT, hay là Vinamilk…
Với Masan Group, họ đã chi hàng trăm triệu USD thâu tóm một loạt các “ông lớn” ngoại. Trong đó phải kể đến các thuong vụ thâu tóm các công ty tầm cỡ như công ty sản xuất thức ăn gia súc thương hiệu Con Cò (Proconco) và Anco… Đầu tháng 10 năm 2012, Masan Group đã sở hữu 40% vốn tại Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) với tổng giá trị giao dịch khoảng 96 triệu USD. Proconco là thương hiệu thức ăn chăn nuôi lâu đời nhất và cũng là một trong các thương hiệu cao cấp nhất tại Việt Nam.
Sau đó vào năm 2015, Masan đã công bố mua lại 51% cổ phần Proconco. Cùng năm này, Masan cũng mua 70% cổ phần Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco). Sang năm 2016, Masan mua nốt 30% cổ phần còn lại của Anco, nâng sở hữu công ty lên 100%. Anco được thành lập năm 2003, tiền thân là liên doanh giữa Malaysia và Việt Nam với nhà máy đầu tiên đặt tại Đồng Nai.
Chính nhờ những thương vụ M&A đình đám này, Masan Group đã nhanh chóng xây dựng được một hệ sinh thái rộng lớn, từ thức ăn gia súc (Proconco), đến chăn nuôi gia súc (Anco), chế biến thịt (thâu tóm Vissan) và bán lẻ.
Vinamilk, một thương hiệu Việt nổi tiếng khác lại “đem chuông đi đánh xứ người” khi tấn công thị trường Mỹ thông qua thương vụ mua lại Driftwood.
Nhưng, cũng có không ít những doanh nghiệp Việt "chơi lớn".
Năm 2013, Vinamilk đã chi 7 triệu USD để nắm 70% cổ phần Driftwood Dairy – một công ty sữa nằm tại bang California của Mỹ. Đến tháng 5 năm 2016, công ty sữa của Việt Nam đã chi thêm 3 triệu USD, nâng sở hữu tại Driftwood Dairy lên 100%.
Hiện tại, Driftwood đã trở thành công ty con của Viamilk, chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ sữa, nước hoa quả và đồ ăn nhẹ… Các sản phẩm ngoài được phân phối tại Mỹ còn có thể được xuất khẩu. Tháng 9 năm 2019, Vinamilk đã quyết định đầu tư thêm 10 triệu USD để mở rộng quy mô, nâng cao năng suất nhà máy tại Mỹ, tạo cơ hội cho các sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường tiềm năng này.
Có thể thấy, việc thâu tóm, mua lại các thương hiệu ngoại là một trong những chiến lược đầy toan tính của các doanh nghiệp Việt, nhằm nắm bắt cơ hội đưa thương hiệu của mình tăng tốc lên quy mô tầm cỡ khu vực và thế giới một cách nhanh nhất. Hy vọng, với các bước đi hợp lý, các thương hiệu Việt sẽ có những định vị mang tầm vóc quốc tế trong tương lai…