Ninh Bình đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển ngành công nghiệp không khói
Quang cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; lãnh đạo các Vụ Lữ hành, Vụ Thị trường; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, đại diện một số Sở, ban, ngành có liên quan cùng các nhà khoa học, chuyên gia và đại diện của 13 tỉnh, thành phố và hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành.

NGUỒN NHÂN LỰC VẪN CÒN THIẾU VÀ YẾU

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết lĩnh vực du lịch của tỉnh đang đứng trước giai đoạn phát triển mạnh với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn, là địa bàn đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư với các dự án về khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng cao cấp, khu vui chơi, giải trí…

Du lịch Ninh Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. 

Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội nghị.

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2010 - 2019 đạt 12%/năm; doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm. Giai đoạn 2020 - 2021 do ảnh hưởng của đại dịch, du lịch Ninh Bình bị thiệt hại nặng nề, tuy nhiên với những biện pháp đầu tư, xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hoạt động du lịch của tỉnh năm 2022 đã nhanh chóng phục hồi trở lại; ước đón 3,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 60.000 khách du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tính liên kết vùng vẫn còn tồn tại những hạn chế. Một số tài nguyên hấp dẫn mới được phát hiện chưa được tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả, sản phẩm du lịch chưa phong phú; còn ít tour du lịch liên tỉnh, thành phố trong và ngoài vùng; quảng bá xúc tiến còn rời rạc, chưa chuyên nghiệp, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu… Do đó khách chủ yếu đi tham quan trong ngày, chưa lưu đêm nhiều, dù giá khách sạn, dịch vụ ăn uống rẻ và chi tiêu ngoài tour của khách cũng không cao…

CẦN XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH

Tại hội nghị, các đại biểu, khách mời cùng nhau trao đổi làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động liên kết, hợp tác phát triển vùng, đồng thời đưa ra các ý kiến tâm huyết, sát thực để đưa du lịch Ninh Bình nói riêng và du lịch vùng đồng bằng sông Hồng nói chung phát triển mạnh mẽ hơn, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. 

Ông Trần Huy Đức, Trưởng Bộ môn, Khoa Du lịch và khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, các địa phương cần xây dựng và phát triển hình ảnh điểm đến, thương hiệu điểm đến du lịch với những giá trị tích cực, tính hấp dẫn riêng đề thu hút sự quan tâm của các học giả, cũng như trong thực tế triển khai hoạt động du lịch.

Đồng thời, các địa phương cần xác định những giá trị cốt lõi và những hệ giá trị khác mà vùng, điểm đến du lịch đó có, hoặc tạo lập mới, phát triển và duy trì.

Những giá trị đặc trưng, riêng của vùng đó có thể chỉ được nhận ra với sự tham gia của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trên cơ sở đó, du lịch với vai trò là trung tâm kết nối sẽ kết nối những giá trị đặc trưng riêng có này để hình thành các chuỗi giá trị đặc trưng tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng.

Bà Nguyễn Hương Giang, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội cho biết, thời gian qua Sở Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội đã hỗ trợ các tổ chức như: Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội, Câu lạc bộ du lịch Thủ đô và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tổ chức khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch Hà Nội và kết nối với các tỉnh thành trong cả nước để có sản phẩm phù hợp với tình hình mới phục vụ nhu cầu khách du lịch nội địa. 

Bà Nguyễn Hương Giang cũng đề xuất mỗi địa phương cần tập trung hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của từng tỉnh, thành phố theo hướng phát triển dài hạn, phát triển bền vững.

Theo đó, các tỉnh cần có những biện pháp khai thác tài nguyên tại các điểm du lịch theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành sản phẩm, tăng cường xúc tiến, quảng bá,  không để bị “thương mại hóa” hoặc bị lạm dụng cho các mục đích khác khi đầu tư, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch… để sớm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, độc đáo mang đặc trưng riêng của địa phương.

Hội nghị cũng đưa ra nhiều giải pháp quan trọng được đưa ra như quy hoạch, phát triển thương hiệu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang hàm lượng văn hóa độc đáo riêng có của vùng; tăng cường kết nối các sản phẩm du lịch như du lịch khoa học, du lịch tâm linh,…

Tại hội nghị, các đại biểu đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, các Hiệp hội du lịch và một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.

Thiên Anh - Nguyễn Thuấn
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc