“Nước cờ” mới của Apple
Foxconn (đối tác của Apple) đang chuyển dần các dây chuyền sản xuất iPad, Macbook ra khỏi Trung Quốc. Ảnh: TN

Đến nay có hơn 90% thiết bị của Apple, chẳng hạn như iPhone, iPad và MacBook, được sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, JPMorgan dự báo rằng tỷ lệ này sẽ giảm dần xuống chỉ còn khoảng 75% vào năm 2025. Theo đó, Apple sẽ chuyển 20% iPad, 5% MacBook, 20% Apple Watch và 65% Air Pod sang Việt Nam.

Một trong những lý do lớn để Apple chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác ở châu Á như Việt Nam là do sự bất ổn về chính sách của Trung Quốc. Trong khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ những lợi thế giúp Apple có thể đa dạng hóa sản xuất, như nền kinh tế phát triển ổn định, vị trí địa lý gần với các chuỗi cung ứng công nghệ cao của châu Á, lực lượng nhân công dồi dào…

Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức mà Apple phải đối mặt khi đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam sẽ sớm mất lợi thế về lao động giá rẻ do ảnh hưởng của quá trình già hóa và chi phí lao động tăng cao. Bên cạnh đó, tiền lương chắc chắn sẽ tăng lên khi Việt Nam là một trong ba quốc gia Đông Nam Á có mức tăng lương tối thiểu lớn nhất, với tốc độ tăng trung bình hàng năm là 8,8% trong giai đoạn 2015-2019.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng giải pháp hiệu quả nhất đối với Apple là tăng năng suất lao động, tuy nhiên đây là một quá trình rất phức tạp và tốn nhiều thời gian.

Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple vào Việt Nam sẽ làm tăng vị thế của ngành công nghiệp điện tử trong nước. Thế giới sẽ nhìn nhận Việt Nam như một điểm đến tiềm năng, giúp tăng năng lực của lao động Việt Nam, đồng thời giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư.

Nguyễn Chuẩn
Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp
Link bài viết gốc