Phát triển Khu kinh tế Vân Phong thành động lực của vùng Nam Trung Bộ
Đã hơn 15 năm kể từ ngày thành lập, Khu kinh tế Vân Phong vẫn chưa thể trở thành “đầu tàu” thu hút đầu tư, cũng như chưa tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Khánh Hòa và khu vực. Hiện nay, Khu kinh tế Vân Phong đang được điều chỉnh quy hoạch chung, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Nằm giữa đảo Hòn Lớn và bán đảo Hòn Gốm, Vân Phong là vùng bờ biển Việt Nam rất gần các tuyến hàng hải quốc tế. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, khu vực vịnh Vân Phong có điều kiện rất thuận lợi trong xây dựng cảng trung chuyển quốc tế; hình thành các khu công nghiệp đa ngành; phát triển du lịch; nuôi trồng thủy sản...
Vận hội mới
Tháng 4/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Khu kinh tế Vân Phong, có tổng diện tích khoảng 150.000ha. Từ đó đến nay, tỉnh Khánh Hòa tập trung nhiều nguồn lực thực hiện quy hoạch; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; tổ chức xúc tiến kêu gọi đầu tư... Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút 155 dự án đầu tư, trong đó có 125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài; tổng vốn đăng ký khoảng 4,2 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng hơn 2,9 tỷ USD.
Trong số 98 dự án đã đi vào hoạt động, có một số dự án lớn, hoạt động hiệu quả, đơn cử như Nhà máy đóng tàu Hyundai-Việt Nam, vốn đầu tư hơn 350 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động; hằng năm thực hiện xuất khẩu chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh Khánh Hòa. Một trong những thế mạnh lớn của Vân Phong là cảng trung chuyển, không nhiều nơi có được. Tuy nhiên, dự án Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong, được coi là “đầu tàu” của Khu kinh tế Vân Phong, có vốn đầu tư khoảng 3,6 tỷ USD, khởi công xây dựng tháng 10/2009, dự kiến hoàn thành vào năm 2020, nhưng đến tháng 9/2012 Chính phủ cho dừng triển khai dự án do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì vậy khi dự án giữ vai trò chủ đạo này dang dở dẫn đến việc thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong trở nên rất khó khăn.
Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, được quy hoạch với tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó kinh tế biển có cảng trung chuyển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp, ngư nghiệp và các ngành kinh tế khác.
Theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí, việc Bộ Chính trị xác định, trong Nghị quyết 09, phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử. Từ đây, câu chuyện về cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực cho phát triển Khu kinh tế Vân Phong được đặt ra. Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa có những quy định rất cụ thể về danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong; các điều kiện nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng; những chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư chiến lược; các nghĩa vụ của nhà đầu tư... Quốc hội đã định hình tầm vóc phát triển của Khu kinh tế Vân Phong, thể hiện qua việc quy định quy mô dự án. Chẳng hạn như đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn từ 12.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên...
Bên cạnh đó, Nghị quyết 55 tạo thêm điều kiện về phân cấp, phân quyền; tăng tính tự chủ, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị. Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh được phép chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I của nhà đầu tư chiến lược...
Đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vạn Ninh Đàm Ngọc Quang cho rằng, qua các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, huyện Vạn Ninh nói riêng và Khu kinh tế Vân Phong nói chung có hành lang pháp lý vững chắc, rất thuận lợi trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, triển khai đồng bộ các công trình thiết yếu, đặc biệt là các tuyến giao thông cao tốc kết nối Vân Phong-Tây Nguyên, Vân Phong-Nha Trang, Vân Phong-Chí Thạnh; các trục đường chính; hạ tầng cảng biển... Từ đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết: Trong sáu tháng cuối năm 2022, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện nhanh chóng và hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có Khu kinh tế Vân Phong. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án này xác định 19 phân khu chức năng phủ kín diện tích 70.000 ha phần đất liền và đảo của khu kinh tế theo định hướng huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp phù hợp với Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.
Trong quá trình thực hiện đồ án, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh yêu cầu phải chú ý việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ở Khu kinh tế Vân Phong. Cụ thể, đối với những ngành, nghề ở Nam Vân Phong phải giảm đến mức thấp nhất tác động đến môi trường; Bắc Vân Phong phải là khu sinh thái ở mức độ cao nhất. Đồng thời, phải quan tâm đến việc tái định cư và sinh kế của người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án. Các khu tái định cư cần xác định diện tích lớn hơn và có đánh giá về các ngành nghề của người dân sau khi các dự án được triển khai.
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã tiếp đón rất nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực. Trưởng Ban Quản lý Nguyễn Trọng Hoàng chia sẻ: Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy vị trí, vai trò và tiềm năng to lớn của khu vực này. Hiện Ban Quản lý đang tập trung lập quy hoạch các phân khu chức năng; xây dựng danh mục hồ sơ đề xuất đối với các nhà đầu tư chiến lược; chuẩn bị kế hoạch xây dựng các khu tái định cư phục vụ thực hiện các dự án; chuẩn bị các bước chuyển nghề, đào tạo nghề cho người dân chịu ảnh hưởng của dự án... Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các dự án phát triển hiệu quả; tiếp tục xúc tiến, kêu gọi đầu tư, thu hút có chọn lọc các dự án.
Mới đây, khi đến thị sát, kiểm tra Khu kinh tế Vân Phong, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng Tây Nguyên và phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực vịnh Vân Phong. Ngày 25/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 89 áp dụng nhiều cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm quốc gia Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và hai tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk khẩn trương hoàn thành các phần việc, bảo đảm khởi công dự án trước ngày 30/6/2023, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương và cả vùng.