Quy hoạch Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ
Tuyên Quang được quy hoạch là tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 325/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Tuyên Quang là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm môi trường, sinh thái. Xây dựng Tuyên Quang là tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Về mục tiêu kinh tế, phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 phấn đấu đạt trên 9,5%. Cơ cấu kinh tế: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 42,8%; ngành dịch vụ chiếm 40,8%; ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 3,2%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/người/năm.
Định hướng đến năm 2050, Tuyên Quang là tỉnh phát triển, thu nhập cao của vùng Trung du và miên núi Bắc bộ, có môi trường xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo, dân chủ. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; hệ thống đô thị thông minh, xanh và bền vững. Di tích, di sản văn hoá, lịch sử được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế
Theo định hướng, Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Hình thành bốn cực tăng trưởng bao gồm: Cực tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị tại thành phố Tuyên Quang và phía Nam huyện Yên Sơn; cực tăng trưởng công nghiệp, đô thị, du lịch tại huyện Sơn Dương; cực tăng trưởng du lịch, nông nghiệp hàng hóa đặc sản, chất lượng cao tại huyện Na Hang và Lâm Bình; cực tăng trưởng công nghiệp và nông, lâm nghiệp tại khu vực huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa.
Cụ thể, về công nghiệp phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao và chất lượng cao, trong đó tập trung phát triển Tuyên Quang trở thành vệ tinh của vùng về chuỗi liên kết sản xuất điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô; phát triển công nghiệp chế tạo công nghệ cao tại thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn; phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, dệt may, da giày, chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ tập trung tại huyện Sơn Dương; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dược liệu, gỗ, lâm sản tại huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa; phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo tại các khu vực có tiềm năng trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trọng tâm là thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo.
Du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng
Du lịch phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, gắn với phát huy giá trị di sản, di tích lịch sử, văn hóa và bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh; nâng cao chất lượng các tuyến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo.
Thu hút, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu du lịch cấp quốc gia; khu, điểm du lịch và hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Chủ động tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch Tuyên Quang đến thị trường trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết hoạt động du lịch trong tỉnh với các địa phương trong vùng và cả nước. Xây dựng, hoàn thiện tiêu chí, trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận Khu du lịch Tân Trào trở thành khu du lịch quốc gia; xây dựng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế; phát triển Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch sinh thái quốc gia. Duy trì và nâng tầm Lễ hội Thành Tuyên trở thành lễ hội có quy mô, thương hiệu quốc tế.
Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, đặc sản; hình thành các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông, lâm nghiệp; phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh…