Tận dụng CPTPP thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ sang Canada
Nhu cầu về đồ gỗ ngoài trời tại Canada gia tăng.

Với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, Canada được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ.

THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG

Canada là quốc gia có ngành công nghiệp gỗ rất mạnh với sản lượng lên tới 600 triệu m3/năm. Quốc gia này cũng là một trong 10 nhà sản xuất đồ nội thất hàng thế giới. Tuy vậy, nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh ngành công nghiệp nội thất trong nước không thể cạnh tranh được với các thị trường nước ngoài có lợi thế chi phí rẻ hơn, trong đó có Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020 đạt gần 219,8 triệu USD, tăng 14,4% so với năm 2019.

Trong 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Canada đạt 169,3 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính với tỷ trọng chiếm 90% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng khác như gỗ, ván và ván sàn; đồ gỗ mỹ nghệ; khung gương cũng tăng trưởng mạnh.

Số liệu của Cơ quan Thống kê Canada cho thấy, 4 thị trường cung cấp chính đồ nội thất bằng gỗ cho nước này hiện nay là Trung Quốc, Việt Nam, EU và Hoa Kỳ, chiếm hơn 80% thị phần tại Canada. 

Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam có năng lực sản xuất và chế biến gỗ tương đối cao với mạng lưới trên 7.000 doanh nghiệp ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ, 340 làng nghề và có lực lượng lao động đông đảo với chi phí lao động thấp. Việt Nam được đánh giá có thể sẽ trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn hàng đầu thế giới trong 10-15 năm tới.

Số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cũng cho thấy, trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch xuất khẩu trung bình mặt hàng nội thất bằng gỗ của thế giới đạt 68,4 tỷ USD với mức tăng trưởng 2,7% mỗi năm. Trong đó, EU chiếm tỷ trọng lớn nhất là 38,1% (tương đương 26,8 tỷ USD).

Tiếp theo là Trung Quốc với tỷ trọng chiếm 27,3% trong năm 2020. Việt Nam đứng thứ ba với tỷ trọng đạt 14,5% trong năm 2020. Đáng lưu ý là tỷ trọng này đã tăng gấp 3 lần so mức mức 5,8% của năm 2015.

Xét về tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước các tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới trong giai đoạn 2015-2020.

Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của Việt Nam là 25,4%, cao gấp 9 lần so với mức bình quân của thế giới là 2,7%, và cao hơn đáng kể so với các nước xuất khẩu lớn như EU (2,8%), Trung Quốc (2,5%)…

NGHIÊN CỨU KỸ THỊ HIẾU NGƯỜI TIÊU DÙNG

Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế từ CPTPP mang lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự dịch chuyển sản xuất và tăng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua.

Trong khi đó, điểm hạn chế hiện nay của ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu nguồn lực đã qua đào tạo. Hơn nữa, doanh nghiệp yếu về khâu thiết kế dẫn đến mẫu mã sản phẩm khó cạnh tranh, còn tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Mặt khác, công tác quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin, marketing của doanh nghiệp trong nước còn kém. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện theo đơn đặt hàng, chưa có hệ thống phân phối ra thị trường để khai thác giá trị thương mại của sản phẩm.

Đặc biệt, ngành vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, trong đó, nguồn không thuộc các nước trong khối CPTPP hoặc đến từ những khu vực có rủi ro pháp lý cao.

Bộ Công Thương cho rằng thói quen tiêu dùng và cơ cấu chi tiêu, xu hướng tăng cường các hoạt động gắn với khuôn viên ngoài trời quanh nhà (vườn nhà) đang thúc đẩy nhu cầu về đồ gỗ ngoài trời tại Canada gia tăng, như bàn, ghế, xích đu gỗ, giá kệ ngoài trời... đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19.

Thị hiếu tiêu dùng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Do đó, để tiếp tục khai thác thị trường tiềm năng này, theo Bộ Công Thương, việc thu thập thông tin về thị hiếu tiêu dùng rất quan trọng với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ.

Thực tế, việc này có thể được thực hiện thông qua việc khảo sát các sản phẩm đang được kinh doanh trên thị trường Canada. Tức là tham khảo thị hiếu thông qua việc tin tưởng rằng các nhà cung cấp hiện hữu trên thị trường Canada đã tìm hiểu và nắm bắt được phần nào về thị hiếu tiêu dùng của khách hàng.

“Dù hình thức này nhìn chung không tạo ra sự đột phá trong sản phẩm nhưng doanh nghiệp sẽ có phần nào “khái niệm” để tạo ra được sản phẩm tương đối phù hợp với người tiêu dùng Canada”, Bộ Công Thương nhận định.

Bản chất các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam có sự khác biệt về chất liệu và nguyên liệu, trong đó, sản phẩm gỗ từ Canada chủ yếu có nguồn gốc từ gỗ phong và các loại gỗ từ cây ôn đới. Vì thế, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị hiếu để đưa ra những mẫu mã sản phẩm đủ mới lạ với thị trường này.

Vũ Khuê
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc