Thêm một mặt hàng nguy cơ chảy máu nguyên liệu
(Chinhphu.vn) - Các doanh nghiệp sản xuất gỗ ván dán kiến nghị Bộ Tài chính áp giá tối thiểu với sản phẩm ván bóc xuất khẩu làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn, gỗ mỡ, gỗ bồ đề rừng trồng mức giá mới. Đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ hồ sơ nguồn gốc ván bóc xuất khẩu để bảo vệ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước, tạo đà phát triển ngành gỗ dán.
Thiếu nguyên liệu sản xuất
Những ngày này tại Công ty TNHH Hoa Linh (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), công nhân làm việc cầm chừng dù các đơn hàng gỗ ván ép đã được ký và đến hạn giao. Lý giải việc này, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Công ty Hoa Linh cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang thiếu đến 30% nguyên liệu đầu vào để sản xuất, chậm tiến độ, đến thời điểm này chưa đến mức bị phạt nhưng đã gây khó chịu cho khách hàng nên việc giữ khách hiện rất khó”.
Theo ông Đông, hiện các doanh nghiệp cùng làm gỗ ván ép như ông cũng đang chịu chung cảnh thiếu nguyên liệu, khiến chi phí đầu vào tăng ít nhất 15%.
Ông Đông lý giải việc thiếu nguyên liệu trước tiên là do đặc điểm thời tiết miền Bắc trong những tháng vừa rồi mưa to, ván bóc ra phơi không khô được. Các xưởng ép ván tại Việt Nam hầu hết thiếu hụt khoảng 30% đến 35% nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Trong khi đó, phía đối tác Trung Quốc lại thu mua nguyên liệu ẩm và đưa giá lên rất cao nên người bán ván bóc hầu hết bán dồn cho phía Trung Quốc.
Ông Đông nêu thêm vấn đề: “Việc bán được ván khi vẫn ẩm là rất có lợi cho người trồng rừng vì không quá mất công hong sấy. Nhưng vấn đề ở đây là các doanh nghiệp thu mua ván bóc xuất sang thị trường Trung Quốc lại khai dưới giá trị thật của sản phẩm. Việc này làm thất thu ngân sách và tạo ra sự không công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất ván ép trong nước”.
Theo số liệu của Chi hội Gỗ dán đưa ra, từ tháng 10/2020 đến nay, ván bóc làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn rừng trồng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng rất lớn. Theo phản ánh từ các hội viên, giá mua ván độn AB tại các vùng nguyên liệu chính như: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang,.. dao động từ 3.200.000 đồng/m3 đến 3.750.000 đồng/m3 (tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái). Giá ván AB cao su trong khu vực Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai,.. giá thu mua 4.600.000 đồng/m3 đến 4.800.000 đồng/m3.
Ông Trịnh Xuân Dương, Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, Phó Chủ tịch Chi hội Gỗ dán cho biết, một số hội viên nghi ngại việc các doanh nghiệp xuất khẩu ván bóc đang khai báo hải quan giá trị ván bóc thấp hơn giá trị thực tế của sản phẩm nhằm giảm nộp thuế xuất khẩu. Hiện mặt hàng này có thuế xuất khẩu 10%. Việc khai báo hải quan dưới giá trị sản phẩm gây ra thất thu ngân sách cho Nhà nước, vô hình tạo ra tình trạng chảy máu nguyên liệu sang thị trường Trung Quốc, thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước. Ông Dương cho hay, tất cả những việc này kéo theo công suất của các nhà máy trong Chi hội hiện đang giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguy cơ tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước
Theo ông Trịnh Xuân Dương, về vấn đề chất lượng ván bóc hiện nay, việc thu mua ồ ạt khiến khác đơn vị thu mua dồn hàng để bán, bất chấp chất lượng. Ông Dương đánh giá chất lượng ván bóc hiện bị giảm 20% đến 30% so với thông thường. Trước đây, ván dán loại A quy định có khoảng 10% loại B thì được chấp nhận, nhưng giờ tỉ lệ loại B có lúc lên đến 40% trong loại A (giá loại A) vẫn phải chấp nhận để duy trì sản xuất.
Ông Dương lo ngại: "Chất lượng ván kém khiến các nhà máy khó đảm bảo sản xuất đã đành nhưng khi phía Trung Quốc dừng thu mua hoặc quay sang kiện về chất lượng thì hàng quay đầu về cũng rất khó, nhiều doanh nghiệp chế biến không còn đủ năng lực sản xuất chờ đến lúc đó nữa”.
Còn ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, Chi hội Gỗ dán vừa có văn bản gửi VIFOREST đề nghị Hội kiến nghị với Bộ Tài chính có biện pháp kiểm soát chặt giá mặt hàng ván bóc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Công văn nêu rõ, trong thời gian vừa qua Chi hội Gỗ dán nhận được rất nhiều thông tin phản hồi từ phía các hội viên về việc chảy máu nguồn liệu ván bóc sang thị trường Trung Quốc.
Hiện tại các công ty xuất khẩu mặt hàng ván bóc đa số là các công ty thương mại nhưng khi lập hồ sơ xuất khẩu họ thường khai báo là doanh nghiệp sơ chế Veneer mua gỗ tròn trực tiếp từ nông dân để lẩn tránh việc hoàn thuế VAT.
Chính vì vậy, Chi hội Gỗ dán đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính áp giá tối thiểu với sản phẩm ván bóc xuất khẩu làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn, gỗ mỡ, gỗ bồ đề rừng trồng với giá FOB tối thiểu: 160 USD/m3, đối với ván bóc sản xuất từ cao su giá FOB tối thiểu 200 USD/m3. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ nguồn gốc ván bóc xuất khẩu để bảo vệ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước, tạo đà phát triển ngành gỗ dán.
Theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2021 giá trị xuất khẩu mặt hàng ván bóc đạt trên 36,11 triệu USD tăng 197% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu ván bóc hàng đầu, chiếm 90% tổng giá trị xuất đạt trên 32,61 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2021. Xuất khẩu mặt hàng ván bóc tăng mạnh từ mức trung bình 5,5 triệu USD/tháng vào những tháng đầu năm 2020, lên trên 13 triệu USD/tháng từ tháng 11/2020 cho tới nay.