Thị trường đóng băng vì Covid, xuất khẩu cà phê giảm mạnh, giá rớt sâu
Đại dịch đã đóng cửa các thành phố từ Paris đến Los Angeles khiến tiêu thụ cà phê bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong vòng 1 tuần qua, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên đã liên tục giảm. Cụ thể, ngày 30/4/2021 giá giảm 200 – 300 đồng/kg, dao động trong khung 33.500 – 33.700 đồng/kg. Đến ngày 4/5/2021, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Đắk Lăk, Gia Lai, Đắk Nông giảm 300 đồng/kg, dao động ở ngưỡng là 33.100 đồng/kg.

 LÀN SÓNG COVID-19 MỚI ĐE DỌA THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ

Trên thị trường thế giới, giá cà phê trên sàn ICE US- New York đã liên tục sụt giảm 5 phiên liên tiếp. Từ ngày 30/4/2021 đã chứng kiến cả 2 sàn cà phê lớn nhất trên thế giới cùng sụt giảm. Phiên giao dịch ngày 30/4/2021, giá cà phê Robusta trên sàng ICE Europe – London, kỳ hạn giao tháng 7/2021 giảm 16 USD, xuống 1.452 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 9/2021 giảm 14 USD, còn 1.475 USD/tấn.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York, với kỳ hạn giao ngay tháng 7/2021 giảm thêm 2,85 cent, xuống 143 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 2,9 cent, còn 144,9 cent/lb, các mức giảm khá mạnh. Trong ngày 4/5/2021, kỳ hạn giao ngay tháng 7/2021 giảm thêm 1,2 cent, xuống 140,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9/2021 giảm thêm 1,25 cent, còn 142,15 cent/lb.

Đại dịch đã đóng cửa các thành phố từ Paris đến Los Angeles khiến tiêu thụ cà phê bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số quốc gia ở châu Âu đã phải đóng cửa tới ba lần, chỉ mới gần đây các quán cà phê ở Anh mới bắt đầu cho phép khách hàng được ngồi lại khu vực phía ngoài trời thay vì phải mang đi.

Sang đến ngày 5/5/2021, giá cà phê trên các sàn đã có dấu hiệu đảo chiều. Cụ thể cà phê Robusta trên sàn London, kỳ hạn giao ngay tháng 7/2021 tăng 18 USD và kỳ hạn giao tháng 9/2021 tăng 16 USD. Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng điều chỉnh tăng, kỳ hạn giao ngay tháng 7/2021 tăng 0,1 cent và kỳ hạn giao tháng 9/2021 tăng 0,15 cent so với ngày 4/5/2021.

Theo phân tích mới nhất của Tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe -  nhà thương mại cà phê hàng đầu thế giới, nhu cầu tiêu dùng cà phê chậm hồi phục vì dịch bệnh lây lan, thậm chí sẽ thêm một lần thị trường cà phê bị nhấn chìm. “Neumann Kaffee Gruppe không còn kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong niên vụ cà phê 2020-2021.

Điều đó làm cho dự báo lạc quan về mức tiêu thụ tăng 0,9% được thực hiện trong tháng 12/2020 hầu như không còn gì.

Theo Tập đoàn Cà phê Neumann, dịch bệnh Covid-19 lây lan khiến nhu cầu cà phê giảm 1,5% trong niên vụ trước. Trước đại dịch, họ đã kỳ vọng mức tiêu thụ sẽ tăng 0,5%. Nhu cầu luôn là yếu tố dễ dự đoán nhất, ổn định nhất và dễ dàng nhất trong cán cân cung – cầu. Nhưng ngày nay, đó là một ẩn số luôn có sự biến động, rất khó để dự đoán.

 Thêm vào đó, một “cú bồi” đang đe dọa giảm giá trên thị trường cà phê toàn cầu, ấy là theo Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ, hiện tượng thời tiết La Nina đang giảm dần và sẽ biến mất trong vài tháng tới. Điều này đồng nghĩa với lượng mưa gia tăng và sẽ không còn cơ hội để hình thành sương giá ở những vùng cà phê chính của Brasil trong ba tháng mùa đông sắp tới (tức là mùa hè ở Bắc Bán cầu. Như vậy, sản lượng cà phê của Brasil sẽ tăng trong niên vụ tới, càng làm tăng nguy cơ thừa cung.

 CƠ HỘI CHO CÀ PHÊ HÒA TAN, CÓ NÊN BỎ LỠ?

Tuy nhiên trong ngắn hạn, thị trường cà phê vẫn kỳ vọng vào giá cà phê Robusta London khi nhu cầu nguyên liệu cho nền công nghiệp sản xuất cà phê hòa tan ngày càng nhiều. Trong bối cảnh giãn cách xã hội đang thiết lập trở lại ở nhiều quốc gia do dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, nhu cầu cà phê rang xay sẽ giảm, nhưng nhu cầu cà phê hòa tan sử dụng tại nhà của người tiêu dùng sẽ gia tăng. Thế nhưng, dường xu hướng tiêu dùng này hiện chỉ đem lại cho số ít doanh nghiệp Việt Nam có xuất khẩu cà phê chế biến sâu.

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê đến hơn 80 thị trường trên thế giới.  Tuy là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới (riêng cà phê Robusta, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới với tổng sản lượng xuất khẩu khoảng hàng năm đạt khoảng 11,6 -11,8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 2,6 - 2,8 tỷ USD.

Giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa bao giờ ở mức cao do sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân (cà phê chưa qua chế biến). Các loại khác bao gồm cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu giữ mức thấp, khi tổng tỷ trọng 2 loại này chỉ ở mức trên dưới 5% trong giai đoạn 2011-2020.

Cà phê rang xay, hòa tan hiện đang được các nước trên thế giới ưa chuộng. Đặc biệt, trong đại dịch Covid, khi nền kinh tế của toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề, thì cà phê rang xay, hoà tan cũng đang được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Rất nhiều quốc gia ở Châu Âu đang giảm nhập khẩu cà phê dạng thô, tăng nhập khẩu dạng đã chế biến.

Thế nhưng, thực tế, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta đã không kịp thời nắm bắt xu thế này. Đơn cử như tại Pháp, thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cà phê của Pháp những tháng đầu năm 2021 đã giảm rất mạnh, chỉ còn chiếm hơn 4%, trong khi các nước trước luôn chiếm hơn 11%.

Do lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu cà phê thô chưa qua chế biến, nên khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam tại Pháp nói riêng, các thị trường nội khối liên minh châu Âu nói chung trong năm 2021 sẽ thấp hơn so với các đối thủ khác như Brazil.

Mặc dù vậy, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam vẫn đang kỳ vọng sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê rang xay và cà phê hòa tan lên chiếm 12% trong tổng lượng xuất khẩu cả phê cả nước trong năm nay.

Chu Khôi
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc