Thu hút FDI vào Việt Nam: Khoảng lặng trước cơn sóng lớn?
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn đang trong xu hướng chậm lại, nhưng rất có thể, đây chỉ là “khoảng lặng” trước một cơn sóng lớn.
“Khoảng lặng” FDI
Các số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, dòng FDI vào Việt Nam vẫn đang trong xu hướng chậm lại.
Cụ thể, tính đến ngày 20/2/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Có một điểm tích cực, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đó là vốn đầu tư mới tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký. Theo đó, trong 2 tháng đầu năm, có 261 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 1,76 tỷ USD, tăng 42,6% về số dự án và tăng gần 2,8 lần về số vốn so với cùng kỳ.
Vốn đăng ký mới tăng không chỉ vì số dự án tăng, mà còn vì số dự án có vốn đăng ký trên 100 triệu USD nhiều hơn cùng kỳ. Cùng kỳ năm ngoái, chỉ có 1 dự án có vốn đăng ký trên 100 triệu USD, trong khi năm nay có tới 4 dự án. Trong đó, đáng chú ý là Dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian (Singapore) tại Bắc Giang, vốn đăng ký 621 triệu USD, với mục tiêu sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính.
Cùng với đó, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng được cải thiện hơn. Trong 2 tháng qua, có 440 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 10% so với cùng kỳ), với tổng giá trị vốn góp gần 797,9 triệu USD (tăng 3,7% so với cùng kỳ).
Bên cạnh các thông tin tích cực, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ và giảm sâu hơn so với tháng 1/2023 do không có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn. Đây là điều rất đáng chú ý, bởi năm ngoái, trong khi đăng ký mới giảm, thì vốn điều chỉnh lại tăng và điều này được lý giải là do các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh và tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Hai tháng đầu năm nay, chỉ có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 535,4 triệu USD, giảm 6,3% về số lượt dự án và giảm tới 85,1% về số vốn so với cùng kỳ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, không chỉ mức tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn so với cùng kỳ trong tháng 1/2023 không còn được duy trì trong 2 tháng đầu năm, mà vốn đăng ký tăng thêm cũng sụt giảm mạnh.
Hai tháng đầu năm ngoái, với hàng loạt dự án quy mô lớn tăng vốn, trong đó Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên, vốn tăng thêm 920 triệu USD; hay Dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), tăng thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh…, vốn FDI tăng thêm đạt 3,6 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với năm 2021. Trong khi đó, năm nay, không có dự án lớn nào được “gọi tên”.
Số liệu thống kê của 2 tháng, lại là những tháng Tết, có kỳ nghỉ kéo dài, chưa đủ phản ánh xu hướng chung của cả năm, song cũng phần nào cho thấy, thu hút FDI vào Việt Nam đang ở trong “khoảng lặng”.
Chờ “cơn sóng lớn”
Dù các số liệu thống kê chưa mấy tích cực, song các khẳng định từ các đối tác quốc tế đều cho biết, Việt Nam là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hay Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đều nhận định rằng, tới đây, các nhà đầu tư Nhật, châu Âu… sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam. Và thực tế, vẫn đang có các cam kết quy mô lớn được các “ông lớn” đưa ra.
Mới đây nhất, theo thông tin của tờ Bangkok Post (Thái Lan), Tập đoàn Central Retail Corporation công bố sẽ đầu tư khoảng 50 tỷ Baht (tương đương 1,45 tỷ USD) vào Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027 để mở rộng sự hiện diện tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Đây được cho là khoản đầu tư lớn nhất mà Central Retail Corporation đổ vào Việt Nam kể từ trước tới nay.
Tập đoàn Piaggio cũng vừa lần thứ 14 tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Với khoản đầu tư mới 75 triệu USD, Piaggio nâng tổng vốn đầu tư tại Vĩnh Phúc lên 165 triệu USD.
Một tên tuổi khác - Goertek đang sẵn sàng các khoản đầu tư mới, sau khi đã dốc khoảng 1 tỷ USD để đầu tư các nhà máy tại Bắc Ninh và Nghệ An. Theo kế hoạch, Goertek sẽ đầu tư thêm khoảng 290 triệu USD cho việc mở rộng nhà máy ở Bắc Ninh trong thời gian tới.
Trong một báo cáo trình Chính phủ cách đây chưa lâu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, do các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và lo ngại về suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Đông Nam Á được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
“Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng đi kèm với dòng vốn đầu tư, dẫn đến sự gia tăng FDI vào khối các nước ASEAN, khi các doanh nghiệp thành lập nhà máy sản xuất, cơ sở kho bãi, mạng lưới phân phối và các cơ sở khác tại khu vực”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Trong ASEAN, Việt Nam đang có lợi thế. Khảo sát mới đây của EuroCham cho biết, 1/4 các công ty châu Âu được hỏi đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong đó, 2% đã chuyển một phần đáng kể hoạt động vào Việt Nam.
Kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) với các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc, hay khảo sát của JETRO về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật cho thấy, Việt Nam đang có nhiều cơ hội. Cục Đầu tư nước ngoài cũng đưa ra dự báo, thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2023 có thể tăng 30% so với năm ngoái, đạt khoảng 36-38 tỷ USD.
Tuy cơ hội là rất lớn, nhưng cạnh tranh cũng ngày một gay gắt hơn. Vì thế, các đề xuất về việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã được đưa ra. Một trong những vấn đề được cho là cấp bách là phản ứng chính sách của Việt Nam khi nhiều quốc gia trên toàn cầu sẵn sàng áp thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024.
Theo ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam, nếu Việt Nam không có những cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh cân nhắc các biện pháp và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể bị “bỏ lại phía sau” trong thu hút FDI.