Thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng giá, nông dân "điêu đứng"
Chăn nuôi đối mặt với thua lỗ, phá sản.

Ngay từ những ngày đầu tháng 5/2021, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đồng loạt tăng giá bán. Trong khi giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh, giá gà thịt vẫn dưới giá thành sản xuất, thì việc thức ăn chăn nuôi tăng giá càng khiến cho người chăn nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ hàng loạt.

HÀNG LOẠT DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT ĐUA NHAU TĂNG GIÁ

Công ty Vina Miền Bắc tăng giá đối với tất cả các sản phẩm của thương hiệu VINA từ ngày 10/5/2021, thực hiện đối với cả 2 nhà máy Vina Hải Dương và Hà Nam. Mức tăng giá cao nhất là 3.000 đồng/kg (đối với sản phẩm 100S loại đặc biệt) đến mức tăng giá đồng đều 300 đồng/kg (đối với  các sản phẩm còn lại - bao gồm cả cám cá).

Công ty TNHH Guyomarc’h-VCN cho biết Công ty buộc phải tăng giá bán đối với sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm, do nguyên liệu ngày càng tăng cao. Các loại thức ăn đậm đặc cho lợn và gà tăng 400 đồng/kg; các loại thức ăn hỗn hợp cho lợn con tăng 400 đồng/kg; các loại thức ăn hỗn hợp cho lợn nái và lợn thịt tăng 350 đồng/kg. Giá tăng áp dụng kể từ ngày 7/5/2021 đối với cả nhà máy Bình Dương, Đồng Tháp và tất cả các kho trung chuyển.

Công ty Cổ phần ABC Việt Nam cũng thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi ABC, Hoàng Phát do Công ty sản xuất, mức tăng dao động từ 330 đồng/kg đến 4.000 đồng/kg, áp dụng từ ngày 3/5/2021.

Công ty TNHH Cargill Việt Nam đã thông báo đến khách hàng thủy sản miền Nam và miền Bắc việc tăng giá 250 - 500 đồng/kg đối với thức ăn cho cá Tra; cá Thát lát, ếch, cá chép… áp dụng từ ngày 5/5/2021. Công ty C.P Việt Nam cũng thông báo từ ngày 5/5/2021: tăng 500 đồng/kg đối với thức ăn cho rô đồng, cá Tra, Ba Sa cá Thát Lát, cá Chép CP 991, cá Trê vàng, cá Rô phi…

CHĂN NUÔI ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ PHÁ SẢN

Trước thông tin các hãng thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng giá bán, nông dân chăn nuôi ở khắp các địa phương “đứng ngồi không yên”, vì giá thịt lợn hơi đang giảm từng ngày. Tại miền Bắc, ngày 12/5/2021 ở nhiều địa phương, giá lợn hơi xuất chuồng chỉ còn 64.000 đồng/kg như ở Lào Cai và Bắc Giang, nơi cao nhất Hà Nội cũng chỉ còn 67.000 đồng/kg.

So với ngày 11/5/2021, giá lợn hơi tại Phú Thọ và TP.Hà Nội giảm 2.000 đồng/kg. Trong khi vào tháng 4/2021, giá lợn hơi xuất chuồng ở toàn miền Bắc đã giảm 2.000-4.000 đồng/kg so với tháng 4/2021, nhưng vẫn giữ ở mốc 71.000-73.000 đồng/kg.

Đối với chăn nuôi gia cầm, nông dân đã lâm vào tình cảnh thua lỗ suốt nhiều tháng qua, vì giá xuất chuồng liên tục thấp dưới giá thành sản xuất. Từ tháng 4/2021, giá gà thịt lông màu đều tăng nhẹ ở các địa phương nhưng vẫn chưa đảm bảo cho chăn nuôi gà hòa vốn.

Trong tháng 4/2021, giá gà công nghiệp liên tục giảm. Hiện tại, giá gà thịt lông màu ngắn ngày ở cả ba miền vẫn chỉ ở mức 36.000 -37.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp ở miền Bắc đã xuống 25.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ cao hơn, nhưng cũng chỉ ở mức 29.000 đồng/kg.

Chưa kịp gượng dậy sau cơn càn quét của dịch tả lợn châu Phi, nông dân nhiều địa phương lại đối mặt nguy cơ phá sản bởi chi phí sản xuất quá cao. Anh Lê Văn Hoàng ở Đông Anh, Hà Nội cũng đang đứng ngồi không yên vì đàn lợn đang trong độ “trưởng thành”, cần vỗ béo.

Anh Hoàng cho biết, thời gian qua, con giống hiếm nên phải mua lợn giống với giá rất cao mới có thể tái đàn. Nếu cách đây 3 năm, lợn xuất chuồng chỉ cần bán được 50.000 đồng/kg đã có lãi cao. Nhưng từ năm ngoái đến nay, giá lợn hơi ở mức 75.000-80.000 đồng/kg, người dân nuôi rất khéo mới có lãi.

“Thời điểm này, dịch Covid-19 phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đang bị ảnh hưởng, rất khó khăn. Giá lợn hơi xuất chuồng đang giảm từng ngày, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại ngày càng tăng cao. Chúng tôi đang có cảm giác bị “chết đứng”, vì sẽ rất khó cầm cự. Hai ba vụ yên ổn mà chỉ cần một lần dịch bệnh và giá thức ăn tăng như thế này thôi là mất hết. Giờ ai đầu tư cũng phải rất rón rén, cân nhắc cẩn thận”, anh Hoàng lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng 5-6 đợt, với mức tăng trung bình quân trong 6 tháng qua lên đến 30-35%. Giá thức ăn chăn nuôi chiếm 80-85% trong giá thành chăn nuôi. Do vậy, giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào thua lỗ, không dám tái đàn như mọi năm.

"Vào lúc này, nông dân chăn nuôi cần cân đối sản xuất, trước mắt tránh mở rộng quy mô chăn nuôi. Nếu có thể, giảm sử dụng thức ăn hỗn hợp, giảm sử dụng ngô trong chăn nuôi – vì những thức ăn này đang có giá cao, nên chuyển sang sử dụng thức ăn sẵn có như sắn, gạo, cám… có giá mua thấp hơn" ông Trọng khuyến cáo.

Chu Khôi
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc