WTO tiến hành rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 với Việt Nam
Nhiều quốc gia thành viên của WTO đánh giá rất cao sự tích cực của Việt Nam trong việc thực hiện chủ trương tạo thuận lợi thương mại.

Ngày 6/5, Tổng cục Hải quan ra thông báo về phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

GIẢM KIỂM TRA THỰC TẾ HÀNG HOÁ

Tại phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 này có hơn 40 thành viên của WTO liên quan đến chính sách thương mại của Việt Nam từ 2013 đến 2019. Nhiều quốc gia thành viên của WTO đánh giá rất cao sự tích cực của Hải quan Việt Nam trong việc thực hiện chủ trương tạo thuận lợi cho thương mại.

Nổi bật là phát biểu của Hoa Kỳ nhấn mạnh đến việc Hải quan Việt Nam đã thực hiện hiệu quả các cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do của WTO và ghi nhận những nỗ lực gần đây của cơ quan Hải quan trong việc ban hành một số biện pháp chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Đại diện phía Hoa Kỳ còn đề cập đến việc hợp tác của Hải quan Việt Nam với Liên minh tạo Thuận lợi thương mại toàn cầu trong xây dựng hệ thống bảo lãnh thông quan. Nếu được triển khai, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên của Châu Á áp dụng hệ thống tiên tiến này.

Phía Hoa Kỳ cũng đề nghị Việt Nam xem xét tham gia việc ủng hộ giải phóng hàng hóa toàn cầu hiệu quả và kịp thời thông qua đẩy nhanh thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO.

Đại diện của Hồng Kông ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong áp dụng quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan phù hợp với chuẩn mực quốc tế, áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, mở rộng áp dụng công nghệ thông tin và trang bị các thiết bị hiện đại trong hoạt động quản lý hải quan.

Ngoài ra, Hải quan Việt Nam cũng đã áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại  trong tình hình Covid-19, trong đó có việc áp dụng công nghệ thông tin trong thông quan hàng hóa, nhanh chóng giải phóng hàng, giảm kiểm tra thực tế hàng hóa và đơn giản hóa thủ tục hải quan.

ĐẢM BẢO MÔI TRƯỜNG THƯƠNG MẠI CÔNG BẰNG

"Trong thời gian vừa qua, với sự giúp đỡ của các đối tác, Hải quan Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó có việc áp dụng cơ chế hải quan điện tử, quản lý rủi ro, và chế độ doanh nghiệp ưu tiên", đại diện Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh thông tin.

Ngoài ra, đối với việc thực hiện nghĩa vụ thông báo trong Hiệp định về Trị giá hải quan, Việt Nam cũng đã thông báo cập nhật các quy định của Việt Nam liên quan đến xác định trị giá hải quan.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng trong năm 2020, cơ quan này đã kiểm tra hơn 100 doanh nghiệp có nghi vấn, và đã phát hiện 45 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ; đã thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh, phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm.

Cùng với những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, Việt Nam cũng đã thực hiện một loạt các biện pháp chống gian lận thương mại và truyển tải bất hợp pháp.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng đã và đang tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu trước, trong và sau thông quan, yêu cầu các Cục hải quan tỉnh, thành phố áp dụng đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ hải quan từ khâu làm thủ tục hải quan cho đến các biện pháp nghiệp vụ khác như quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan…

Ngoài ra, Việt Nam cũng thực hiện nhiều giải pháp khác như khoanh vùng nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cao; rà soát xác định các giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành phân tích, quyết định kiểm tra.

Các cơ quan có liên quan cũng tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, rà soát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với một số hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn…

“Sự chủ động tích cực trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành trong nước và các cơ quan hải quan và tổ chức quốc tế đã góp phần đảm bảo môi trường thương mại công bằng…”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Theo quy định hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam nằm trong số các thành viên phải rà soát chính sách thương mại với chu kỳ là 7 năm rà soát 1 lần.

Trong khuôn khổ WTO, bên cạnh đàm phán và giải quyết tranh chấp, công tác rà soát chính sách thương mại là một trong ba cột trụ của WTO, được tiến hành định kỳ đối với tất cả các thành viên nhằm bảo đảm sự minh bạch trong việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ theo WTO

Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 1 của Việt Nam đã diễn ra vào năm 2013 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam giai đoạn 2013 - 2019 trong khuôn khổ WTO được diễn ra trực tuyến vào cuối tháng 4/2021 tại Hà Nội, Việt Nam.

Kông Lý
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc