"Thúc" tiến độ dự án ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa 3 luật
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan tới vấn đề phân cấp và lựa chọn nhà thầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, nhiều quy định pháp luật hiện nay còn mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, gây khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án.
“Vì vậy, yêu cầu cấp bách là sửa đổi ngay để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề tới nền kinh tế”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Tính đến hết 31/8/2021, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt là 187.285,01 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (46,41%). Trong đó, vốn trong nước đạt 44,7% (cùng kỳ năm 2020 là 50,02%), vốn nước ngoài đạt 7,94% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%).
Mặc dù, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ) nhích khẽ so với tháng 7/2021 (7,52%), song theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân vẫn hết sức chậm trễ.
Do đó, việc rà soát các quy định hiện hành trong các dự án đầu tư có sử dụng vốn ODA cần phải được đẩy nhanh để sớm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp nhằm "thúc" tiến độ dự án ODA trong thời gian tới.
Trên cơ sở này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi, bổ sung 3 luật có liên quan.
Thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Điều 25 Luật Đầu tư công quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chỉ phù hợp với dự án đầu tư nhóm A (dự án quy mô lớn, có tính chất liên ngành, liên vùng, thường có tỷ lệ cho vay lại cao) phải thực hiện theo yêu cầu, điều kiện chặt chẽ theo hiệp định được ký kết nhân danh Nhà nước theo quy định của Luật Điều ước quốc tế với các nhà tài trợ lớn.
Ngoài ra, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong trường hợp phân cấp cho người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm B và C theo đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan tới Luật Quản lý nợ công. |
Trong khi đó, đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhóm B và C - nhóm dự án có số lượng nhiều, quy mô không lớn, chủ yếu do các địa phương là cơ quan chủ quan và thường có đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư trong quá trình thực hiện (như gia hạn thời gian thực hiện, giải ngân), thì tính cả điều chỉnh các dự án này sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ 3 lần, dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ thực hiện và giải ngân, không hoàn thành theo đúng cam kết với nhà tài trợ và phải gia hạn hiệp định.
Do đó, để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa Điều 25 Luật Đầu tư công theo hướng phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi cũng như vốn ODA không hoàn lại…
Thứ hai, để đồng bộ với quy định được đề xuất sửa đổi của Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch nhận thấy việc đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư theo phương thức PPP có sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài là cần thiết.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa đổi Luật PPP theo hướng Thủ tướng Chính phủ quyết định chu trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Thứ ba, để thúc đẩy giải ngân vốn ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định về triển khai lựa chọn nhà thầu đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Theo quy định hiện nay của Luật Đấu thầu, việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ thường mất tối thiểu từ 4-6 tháng đối với gói thầu quốc tế theo yêu cầu của nhà tài trợ. Trên thực tế, tùy theo từng dự án cụ thể (như dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại TP.HCM…), thời gian lập kế hoạch và chuẩn bị hồ sơ có thể kéo dài hàng năm.
Các hoạt động này được triển khai sau khi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đã được ký kết và có hiệu lực. Vì vậy, phần lớn các dự án đều phải xin gia hạn thời gian thực hiện và gia hạn hiệp định.
Đồng thời, việc kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do trượt giá, thay đổi tỷ giá và các tác động khác… Ngoài ra, dự án chậm thực hiện cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, đó là chưa kể chi phí cam kết phát sinh mà Việt Nam phải trả.
“Do đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quyết định của Chính phủ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 34 Luật Đấu thầu.