Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động đến Việt Nam
Việc tham gia Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp Việt Nam gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Song điều này cũng đặt Việt Nam trước các thách thức mới trong thu hút các dự án FDI trọng điểm sử dụng công nghệ mới và tiên tiến trong các lĩnh vực ưu tiên.
Quy tắc thuế mới
Tháng 10/2021, Việt Nam cùng với hơn 135 quốc gia khác tham gia Công ước đa phương về thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI).
Chương trình cải cách thuế lớn này được các nước tham gia nhất trí dựa trên 2 trụ cột chính: chuyển quyền đánh thuế với hơn 125 tỷ USD thuế thu nhập toàn cầu hàng năm từ các khu vực có mức thuế suất thấp sang các quốc gia thu được lợi nhuận cao hơn; hạn chế cạnh tranh không lành mạnh về thuế thông qua việc thực hiện mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu thống nhất là 15%. Đây là mức thuế sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 20 tỷ euro và có mức lợi nhuận trên 10%.
Các doanh nghiệp đa quốc gia được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế với mức thuế suất thấp hơn mức tối thiểu 15% sẽ phải thanh toán chênh lệch cho quốc gia sở tại. Do đó, khi quy tắc này được thực thi trên phạm vi toàn cầu, việc đặt thuế suất có hiệu lực dưới ngưỡng 15% sẽ có ảnh hưởng đến các quyết định đặt địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời giảm khả năng thu thuế.
Khởi xướng bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), quy tắc thuế mới nói trên là một cột mốc quan trọng cho sự phối hợp thực thi thuế giữa các quốc gia. Quy tắc giúp các nước đã phát triển và các nước đang phát triển giảm thiểu thiệt hại của chính phủ khi các doanh nghiệp thực hiện các phương thức xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận ngày càng phổ biến trong thời đại bùng nổ kỹ thuật số.
Việc thực hiện thuế tối thiểu dự kiến được thực hiện vào năm 2023, song Việt Nam nên có những bước chuẩn bị cho cuộc cải cách lớn này như các nước trong khu vực đang làm.
Tránh thuế doanh nghiệp
Cơ chế phối hợp còn lỏng lẻo trong quản lý áp dụng và thu các loại thuế quốc tế đang làm tăng tính cạnh tranh thuế giữa các nước. Các quốc gia cạnh tranh với nhau để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách đưa ra mức thuế suất thấp và nhiều ưu đãi thuế khác nhau.
Với thực trạng cạnh tranh thuế như hiện nay, các nước đang phát triển đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi họ cần thu hút nhà đầu tư nước ngoài để cải thiện và đổi mới công nghệ, kỹ năng, năng suất và tăng khả năng hội nhập thương mại toàn cầu; là các yếu tố then chốt cần thiết cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Trong khi đó, các doanh nghiệp đa quốc gia lại tận dụng sự cạnh tranh về thuế này để chuyển lợi nhuận và các cơ sở tính thuế khác sang khu vực có mức thuế suất thấp.
Bên cạnh các nước đang phát triển, một số nước thành viên OECD cũng đưa ra mức thuế suất doanh nghiệp đặc biệt thấp để thu hút các công ty đa quốc gia, như Ireland (12,5%), Hungary (9%), hay vô số các ưu đãi thuế như thuế đăng ký bằng sáng chế, thuế khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển và các phát minh mới. OECD ước tính, có đến 240 tỷ USD bị thất thoát hàng năm trên toàn thế giới do các hành vi xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận của các doanh nghiệp gây ra.
Luật thuế của Việt Nam yêu cầu các công ty phải nộp thuế lên tới 20% thu nhập chịu thuế của họ. Con số này rất phù hợp với mức trung bình quốc tế và tương đương thuế suất ở các nước Đông Nam Á lân cận. Các khoản thuế thu từ các doanh nghiệp mang lại cho Chính phủ Việt Nam nguồn thu khoảng 3% GDP. Cùng với các khoản thu từ thuế khác như thuế VAT và thuế nhập khẩu, khoản thu này cung cấp kinh phí thiết yếu cho các dịch vụ công và phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, trong khi mức thuế theo luật của Việt Nam là 20%, cao hơn mức 15% đã được thống nhất gần đây, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia vẫn đang đóng mức thuế thấp hơn nhiều. Trên thực tế, Việt Nam đang áp dụng chế độ ưu đãi thuế khá rộng, dựa trên vị trí (khu công nghiệp, khu kinh tế, địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn), lĩnh vực khuyến khích (công nghệ cao, kinh doanh nông nghiệp, sản phẩm tiết kiệm năng lượng, hoạt động xã hội hóa) và quy mô các dự án.
Các ưu đãi thông thường gồm thời gian được miễn thuế và thuế suất ưu đãi. Bên cạnh các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản miễn thuế khác như thuế nhập khẩu và khấu hao đầu tư tăng nhanh có thể đẩy các khoản thuế của doanh nghiệp xuống thấp hơn.
Theo TS. Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thuế suất ưu đãi dành cho các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam dao động từ 2,75% đến 5,95% - thấp hơn đáng kể so với thuế suất thông thường 20%, cũng như thấp hơn mức thuế đã thống nhất gần đây là 15%.
Một khi Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu được thực hiện, các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam có thể phải chịu thêm một số hình thức thuế bổ sung. Cơ quan thuế tại nước sở tại sẽ có quyền yêu cầu khoản thanh toán bổ sung này nằm trong phạm vi thuế suất thực tế nộp tại Việt Nam dưới 15%. Do đó, sức hấp dẫn của thuế suất thấp hơn và ưu đãi thuế sẽ giảm đi đáng kể, vì các công ty sẽ bị đánh thuế với mức thuế suất tối thiểu 15%, bất kể họ hoạt động kinh doanh ở đâu.
Ưu đãi thuế
Theo OECD, Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu không loại bỏ cạnh tranh về thuế, mà đưa ra những giới hạn đã được thỏa thuận đa phương về nó. Do đó, các quy định mới không có nghĩa là chấm dứt tất cả các ưu đãi thuế và ở một mức độ nhất định, Việt Nam vẫn có thể dựa vào các quy định này. Việc xem xét lại toàn diện các ưu đãi thuế này sẽ đảm bảo rằng, đây là các ưu đãi hợp lý.
Có nhiều mức độ trong tiến trình xem xét các ưu đãi thuế. Một đánh giá năm 2019 của Trung tâm Giải trình Ngân sách và Quản trị (CBGA) kết luận, “những quan ngại chính liên quan đến các ưu đãi thuế ở Việt Nam là: không hiệu quả, dư thừa, lạm dụng, thu hút các công ty yếu kém, không dựa trên phân tích kinh tế đúng đắn và có tiềm năng cho tham nhũng”.
Được biết, đến nay, chưa có số liệu chính thức nào được công bố về việc chính phủ bỏ qua doanh thu do ưu đãi thuế cho đầu tư. Việt Nam là một trong 116 quốc gia không gửi báo cáo cho Hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiêu thuế toàn cầu (GTED). Điều này có nghĩa Việt Nam chưa bao giờ công bố báo cáo chi tiêu thuế giai đoạn năm 1990 đến nay thuộc phạm vi điều chỉnh của GTED.
Việc phân tích hiệu quả các chính sách ưu đãi thuế là cần thiết để đánh giá tác động của chúng với các quyết định đầu tư của các doanh nghiệp đa quốc gia. Khi cùng ký với 135 quốc gia khác trong phối hợp quốc tế sâu rộng nhằm chống tránh thuế và giảm thiểu cạnh tranh có hại về thuế, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội quan trọng này để xem xét lại việc sử dụng các ưu đãi thuế và cải thiện khuôn khổ chính sách đầu tư để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là với các doanh nghiệp đa quốc gia công nghệ cao.
Làm sao để Việt Nam tiếp tục hấp dẫn đối với FDI?
Ưu đãi thuế là một trong những công cụ chính sách cơ bản của các chính phủ trên toàn thế giới để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, bất chấp mức độ phổ biến của chúng trên khắp thế giới và chi phí phải trả để thu được ngân sách đang ngày càng tăng cao, tính hữu ích của các ưu đãi thuế và hiệu quả của chúng trong việc đạt được các mục tiêu của chính phủ vẫn còn là những câu hỏi bỏ ngỏ.
Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với các quốc gia có thu nhập thấp, nơi mà theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ dư thừa ưu đãi thuế trong một số trường hợp có thể lên đến hơn 90%. Nói cách khác, 9/10 dự án đầu tư đã được thực hiện ngay cả khi không có ưu đãi thuế nào được áp dụng.
Các chi tiết kỹ thuật đang được thảo luận sẽ rất quan trọng khi thực hiện các quy tắc mới giữa các quốc gia và tác động đối với các khu vực pháp lý khác nhau. Tuy nhiên, rõ ràng, Việt Nam cần phải thích ứng với các quy định mới và xem xét lại việc sử dụng các ưu đãi thuế của mình.
Hiện là thời điểm tốt để Chính phủ Việt Nam xem xét kỹ hơn hiệu quả của các ưu đãi thuế đối với đầu tư. Loại bỏ các ưu đãi thuế không hiệu quả và giữ (hoặc thậm chí mở rộng) những ưu đãi có giá trị bằng tiền là rất quan trọng. Một số quốc gia Đông Nam Á đã và đang làm điều đó. Tại Malaysia, chính phủ đang tích cực cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp. Tại Thái Lan, Ủy ban Đầu tư (BoI) đang đẩy nhanh việc sửa đổi các ưu đãi đầu tư để phù hợp với hiệp định của OECD.
Một trong những kết quả được mong đợi của Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu là sự cạnh tranh về thuế giữa các quốc gia sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là điều tối quan trọng đối với sự thịnh vượng của các quốc gia.
Việt Nam đã đúng đắn khi đặt ra các mục tiêu FDI đầy tham vọng với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị được ban hành vào tháng 8/2019. Để đạt được các mục tiêu này trong bối cảnh hạn chế sử dụng các ưu đãi thuế, Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa khung chính sách xúc tiến đầu tư, theo tư vấn của OECD trong Đánh giá Chính sách đầu tư (2018) và Đánh giá Quốc gia đa chiều (2019).
Các cơ quan xúc tiến đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn FDI, vì họ là cơ quan đầu mối và tiếp xúc chính của các nhà đầu tư nước ngoài. Các mô hình thành công bao gồm Ủy ban Đầu tư (BoI) của Thái Lan, Cơ quan Xúc tiến đầu tư (CINDE) của Costa Rica và Cơ quan Đầu tư trực tiếp nước ngoài (IDA) của Ireland. Cục Đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện cung cấp các dịch vụ xúc tiến đầu tư tương tự và điều phối các mối liên hệ giữa các bộ, ngành khác nhau.
Tuy nhiên, vai trò của tổ chức này có thể được nâng cao hơn bằng cách tập trung hơn vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và thâm dụng kiến thức, các lĩnh vực cần thiết cho quá trình đuổi kịp sự phát triển của thế giới. Cục Đầu tư nước ngoài cũng có thể tăng cường hỗ trợ các tỉnh nghèo hơn trong các nỗ lực xúc tiến đầu tư, vì FDI có xu hướng tập trung vào các tỉnh có lợi thế về địa lý.
Ngoài ra, Việt Nam có thể mở cửa nhiều lĩnh vực hơn cho đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ. Hiện lĩnh vực viễn thông phần lớn bị hạn chế với các nhà đầu tư nước ngoài - trái ngược với thông lệ ở các nước khác. Và việc nhà đầu tư nước ngoài không được phép nắm giữ cổ phần vượt quá 40% trong nhiều lĩnh vực đang làm hạn chế tiềm năng đầu tư của doanh nghiệp FDI vào Việt Nam.
FDI mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế Các doanh nghiệp nước ngoài giúp Việt Nam tiệm cận thị trường quốc tế, tạo việc làm cho lao động có tay nghề cao, người lao động được tiếp xúc với công nghệ mới, nâng cao trình độ quản lý của các giám đốc điều hành địa phương, nâng cao kiến thức về quản trị doanh nghiệp và trên hết là nâng cao văn hóa tuân thủ luật pháp và các quy tắc theo thông lệ quốc tế. Các nhà nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra lợi ích của hiệu ứng lan tỏa ở các nước có nhiều công ty đa quốc gia lớn kinh doanh như Costa Rica. Tương tự như vậy, ngành công nghiệp điện tử nội địa ở Malaysia, bao gồm cả bộ vi xử lý, do Công ty Intel mang lại. Tại Thái Lan, các nhà cung cấp phụ tùng ô tô FDI đã cung cấp cho chuỗi cung ứng sản xuất ô tô thuộc sở hữu của các nhà đầu tư trong nước. |