Thương mại Việt Nam - Lào Nhiều dư địa phát triển
Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào ký Bản ghi nhớ hợp tác (năm 2022)

Những năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song kim ngạch thương mại song phương trung bình giai đoạn 2018 - 2021 vẫn đạt hơn 1 tỷ USD/năm, tăng trưởng hơn 10%/năm. Từ đầu năm 2021 trở lại đây, giao thương giữa Việt Nam và Lào đã tăng trưởng mạnh mẽ, cơ cấu xuất - nhập khẩu hàng hóa thay đổi và danh mục hàng hóa ngày càng phong phú hơn. Cùng với đó, việc xuất khẩu sang Lào được hưởng ưu đãi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho các mặt hàng của hai nước theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào đã góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước phát triển.

Thống kê cho thấy, năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu hai nước đề ra và trở thành giá trị kim ngạch thương mại song phương lớn nhất trong giai đoạn 10 năm qua. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 594,7 triệu USD, tăng 4% so với năm 2020. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 778,2 triệu USD, tăng 69,8% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 309,4 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu sang Lào chủ yếu là các nhóm sản phẩm từ sắt, thép các loại; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phân bón các loại; sản phẩm từ chất dẻo; rau quả;… Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Lào đạt 514,6 triệu USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021, gồm các mặt hàng cao su; gỗ và sản phẩm từ gỗ; phân bón các loại; rau quả; quặng và khoáng sản;…

Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Lào tại Việt Nam ký kết Biên bản làm việc về tăng cường quan hệ thương mại, công nghiệp và năng lượng (năm 2021)

Mặc dù con số ấn tượng là vậy, song Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khampheng Xaysompheang đều đánh giá, dù mức tăng trưởng lên đến hơn 33,3% nhưng giá trị thương mại tuyệt đối còn quá thấp so với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Bên cạnh những thuận lợi, thương mại hai nước chưa phát huy hết tiềm năng do chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả. Việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa tương xứng. Cùng với đó là một số bất cập trong các vấn đề như: Hàng hóa sản xuất có quy mô nhỏ, phần lớn là nguyên liệu chưa qua chế biến; áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu hay hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai các chương trình và thỏa thuận giữa hai bên còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, năm 2022, hai nước phấn đấu nâng tổng kim ngạch thương mại lên 10-15% theo mục tiêu đã thống nhất trong giai đoạn 2021-2025.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại Việt Nam - Lào trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hai bên cần duy trì và cải tiến mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu biên giới đường bộ. Bên cạnh đó, hai bên theo dõi sát việc đưa hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, bảo đảm luồng lưu thông được ổn định, thông suốt; thường xuyên rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thương mại biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế. Mặt khác, hai bên tiếp tục triển khai phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện các văn kiện như Hiệp định Thương mại Biên giới Việt Nam - Lào; Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào; Bản Ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ hai nước.

Cùng với các địa phương có chung đường biên giới với Lào, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, bảo đảm cho hoạt động thương mại và thương mại biên giới giữa hai nước được diễn ra thuận lợi, hiệu quả, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự tăng trưởng thương mại giữa hai nước Việt Nam và Lào, góp phần vun đắp mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, hai quốc gia.

Nguyệt Thắm
Nguồn: Vietnam Business Forum
Link bài viết gốc