Tiếp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu gia vị, rau, quả sang EU
Toàn cảnh hội thảo “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam".

Ngày 6/5, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam – viết tắt SFV-Export”.

GIA VỊ, RAU QUẢ VÀO EU GẶP NHIỀU THÁCH THỨC

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu sang các châu lục trong năm 2021 cho thấy sự chuyển dịch rõ nét với tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang châu Âu và châu Mỹ tăng trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang châu Á giảm.

Năm 2021 trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020. Đặc biệt sau giai đoạn phong tỏa, giãn cách vì dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm rau, củ, quả tại các quốc gia khu vực Liên minh châu Âu đang gia tăng.

Tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới mới lạ tại EU tăng cao, trong đó sản phẩm rau quả tươi tăng từ 15-20%/năm, sản phẩm chế biến tăng hơn 30%.

Tuy nhiên, mặt hàng rau quả của Việt Nam dù được đánh giá là có nhiều lợi thế song chưa tận dụng được cơ hội, nên thị phần tại khu vực EU vẫn hết sức mờ nhạt, con số này chỉ chiếm dưới 1% nhu cầu thị trường châu Âu.

Nguyên nhân theo ông Phòng, rau quả xuất khẩu của Việt Nam hiện đang tồn tại một số điểm yếu cần được khắc phục. Đó là cơ cấu giữa các mặt hàng chưa cân đối, hiệu quả kinh tế chưa cao, sản lượng và chất lượng chưa ổn định, rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật của rau quả xuất khẩu.

Trong khi các doanh nghiệp rau, quả và gia vị của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận thị trường châu Âu. Doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin và nguồn nhân lực để đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường châu Âu.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo.

Đặc biệt, các doanh nghiệp ít có cơ hội và thiếu khả năng tiếp cận thị trường châu Âu. Các ngành rau, quả và gia vị của Việt Nam thiếu các cơ chế hiệu quả để nâng cao năng lực toàn ngành và quảng bá cho các sản phẩm cho thị trường châu Âu.

TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC XUẤT KHẨU CHO DOANH NGHIỆP

Để khắc phục những tồn tại, yếu điểm trên của các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam,  VCCI đã phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam xây dựng Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành rau quả và gia vị Việt Nam”.

Sau những nỗ lực đề xuất dự án, làm việc với các đối tác liên quan và kêu gọi tài trợ của hai bên từ tháng 3/2021, Dự án đã được Liên minh châu Âu đồng ý cung cấp 80% nguồn kinh phí để thực hiện dự án.

Dự án sẽ được triển khai trong 2 năm, từ năm 2022 và kết thúc vào ngày 31/12/2023. Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của dự án tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong 3 ngành (gia vị, rau, quả) tăng doanh số xuất khẩu vào thị trường EU.

Các hoạt động gồm: hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định của thị trường EU và được nhận chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn EU về an toàn thực phẩm, thực hành bền vững; tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận kết nối kinh doanh với đối tác EU; nâng cao năng lực của ngành và danh tiếng của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Bổ sung thêm, bà Hoàng Lê Trang, Quản lý dự án SFV-Export, Oxfam tại Việt Nam, cho biết dự án hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu giúp doanh nghiệp tuân thủ và được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do châu Âu công nhận như IFS, BRC và chứng nhận Fairtrade.

Đồng thời hỗ trợ hoạt động marketing, phát triển thị trường, cung cấp thông tin về thị trường và kết nối doanh nghiệp với các đối tác tiềm năng từ thị trường châu Âu.

Số hóa các hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến thương mại trên nền tảng số chuyên biệt; hỗ trợ cải thiện chính sách và thực hành tốt liên quan đến người lao động, bình đẳng giới và bảo vệ môi trường; thúc đẩy hợp tác đa bên để nâng cao năng lực ngành và quảng bá nông sản Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Đặc biệt, dự án sẽ xây dựng và vận hành một nền tảng số tiên tiến nhằm cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin thị trường cập nhật, tạo cơ hội để doanh nghiệp Viêt Nam kết nối với khách hàng châu Âu. Dự án cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng, quản trị doanh nghiệp, marketing, thương mại.

“Chúng tôi mong muốn ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam được công nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế về xuất khẩu. Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn Fairtrade (bình đẳng giới, môi trường bền vững, quyền lợi cho người lao động), Oxfam sẽ kết nối đa bên từ các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu của ngành hàng gia vị, rau quả”, bà Hoa khẳng định.

Vũ Khuê
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc