Trên 90% hàng Việt "phủ sóng" trên các kệ phân phối hiện đại
Trên 90% doanh nghiệp biết đến phong trào vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.

Theo đó, đến năm 2025, trên 90% người dùng và doanh nghiệp biết đến chương trình Nhận hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, trên 90% doanh nghiệp biết đến phong trào vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này.

HÀNG VIỆT VỚI MỤC TIÊU MỚI ĐẦY THAM VỌNG

Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết đến nay hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng trong nước tin tưởng. Trên các kệ phân phối hiện đại, hàng Việt có độ phủ sóng lớn. Tại Co.opmart, hàng Việt chiếm 90-93%; ở Satra con số này là 90-95%; Vinmart 96%; Hapro 95%. Với các kênh phân phối nước ngoài, hàng Việt cũng chiếm 65-96%.

Bên cạnh đó, hàng Việt đang dần khẳng định được hình ảnh với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp. Thống kê của Vụ Thị trường trong nước ghi nhận hiện cả nước có trên 2.049 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có 43 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hoá đến năm 2020 là trên 3.800 sản phẩm.

Điều tra của Viện nghiên cứu dư luận cho thấy, 88% người tiêu dùng quan tâm tới Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. 67% người tiêu dùng tự xác định mua hàng hoá sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam. 52% khuyên người thân bạn bè nên sử dụng hàng Việt Nam.

Dù vậy, không có nghĩa là hàng Việt sẽ không phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025 kỳ vọng sẽ tạo sức cạnh tranh mới cho hàng Việt trong bối cảnh hội nhập mới.

4 GIẢI PHÁP CHO 4 MỤC TIÊU

Đề án đặt trọng tâm là tổ chức các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm đạt mục tiêu giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại và trên 80% các kênh phân phối truyền thống; giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.

100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử) có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” thường xuyên tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động.

100% các tỉnh, thành phố nhân rộng được mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. 100% bộ, ngành và địa phương xây dựng được chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất hàng Việt Nam tại thị trường trong nước.

Đồng thời Đề án cũng vạch ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: thông tin, truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Để đạt các mục tiêu trên, Đề án cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp, chính sách phát triển chủ yếu gồm: giúp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam…

Trong đó, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia (có tính liên kết vùng, miền) giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước cũng như có những chính sách hỗ trợ cụ thể để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt Nam theo các phân khúc khác nhau tại thị trường trong nước.

Nhà nước tập trung xây dựng chiến lược và chính sách phát triển hàng Việt Nam trong lĩnh vực cần ưu tiên phát triển trung và dài hạn cho thị trường nội địa; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm hướng tới hài hòa với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.

Các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, xây dựng các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tác động của công nghệ thông tin đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp; hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác kinh doanh trên môi trường mạng.

Hương Loan
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc