Việt Nam cần làm gì để tiếp tục dẫn đầu trong cuộc đua giành FDI?
(Chinhphu.vn) – Do tác động từ đại dịch COVID-19, bức tranh đầu tư nước ngoài đã thay đổi. Năm 2020, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn FDI, lần đầu tiên nước ta lọt vào tốp 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Với nhiều lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vậy trong thời gian tới, chúng ta cần phải làm những gì để phát huy lợi thế, đẩy mạnh thu hút FDI trong bối cảnh mới.
Đại dịch COVID-19 và “màng lọc” FDI
Đầu tư nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đối với các nước đang phát triển, dòng vốn FDI đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, vì đây là ngoại lực bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra các hệ luỵ sâu sắc về kinh tế, xã hội, chính trị trên quy mô toàn cầu. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, diễn ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong khoa học công nghệ, an ninh. Chính vì vậy, các nước này đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát và thẩm định chặt chẽ đối với các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các dự án mua bán và sáp nhập.
Trước đây, các nước phát triển đã mở cửa với đầu tư nước ngoài, trong khi các nước đang phát triển lại hạn chế do lo ngại về khả năng cạnh tranh còn yếu của các doanh nghiệp trong nước. Trong những năm gần đây các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển coi trọng việc tự do hóa chế độ quản lý đầu tư nước ngoài, với 63% các quy định ban hành mới giúp các công ty nước ngoài đầu tư dễ dàng hơn và chỉ có 14% các quy định mới gây khó khăn hơn.
Theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) các nước phát triển đã ban hành 35 quy định mới nhằm kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư nước ngoài, trong đó có tới 85% những quy định này gây khó khăn hơn với lý do nguy cơ đối với an ninh quốc gia về quyền sở hữu của nước ngoài đối với cơ sở hạ tầng quan trọng, công nghệ cốt lõi và các tài sản nhạy cảm trong nước. Các quy định mới đưa ra một số biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước trong thời kỳ đại dịch và một số biện pháp nhằm trực tiếp đến vấn đề an ninh quốc gia. Làn sóng này đã phủ khắp từ châu Âu, tới Vương quốc Anh, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ,…
Bức tranh FDI toàn cầu thay đổi
Theo báo cáo đầu tư năm 2021 của UNCTAD dịch COVID-19 đã làm thay đổi bức tranh đầu tư nước ngoài của thế giới. Dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 giảm 35% xuống còn 1.000 tỷ USD, trong đó FDI vào các nền kinh tế phát triển giảm 58% do các nước này đang tái cơ cấu doanh nghiệp và có nguồn tài chính ổn định.
FDI vào các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển giảm ít hơn, ở mức 8%, chủ yếu do chu chuyển vốn linh hoạt ở châu Á.
Năm 2020 các nền kinh tế đang phát triển chiếm 2/3 tổng vốn FDI toàn cầu, tăng so với mức gần 1/2 trong năm 2019. Theo khu vực địa lý, FDI giảm trên khắp thế giới, ngoại trừ châu Á.
Dòng vốn FDI giảm không đồng đều ở các khu vực đang phát triển, khu vực Mỹ Latinh và Caribê giảm tới 45%, khu vực châu Phi giảm 16%. Tuy nhiên dòng FDI chảy sang châu Á lại tăng 4%, khiến khu vực này chiếm một nửa tổng vốn FDI toàn cầu vào năm 2020. Dự kiến dòng vốn FDI toàn cầu sẽ chạm đáy vào năm 2021 và phục hồi một phần với mức tăng khoảng 10-15%.
Do dịch COVID-19, nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới đã làm trì hoãn các dự án đầu tư hiện có, bên cạnh đó do suy thoái kinh tế toàn cầu nên các doanh nghiệp đa quốc gia đã đánh giá lại các dự án mới. Sự thu hẹp tổng thể trong xúc tiến dự án mới, kết hợp với sự trì hoãn trong hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới dẫn đến dòng vốn đầu tư cổ phần giảm hơn 50% là các nguyên nhân làm suy giảm đầu tư nước ngoài trong năm 2020.
Nếu FDI toàn cầu bị thu hẹp trong một thời gian dài, hậu quả đối với các nước đang phát triển sẽ rất nặng nề và nghiêm trọng bởi các nước này có danh mục dòng vốn FDI đa dạng và lợi ích tiềm năng của dòng vốn này rất lớn. Dòng vốn FDI không chỉ thúc đẩy doanh thu xuất khẩu ở các nước đang phát triển mà còn tạo ra nhiều việc làm, tác động tích cực hơn đến phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất.
Theo báo cáo của UNCTAD, năm 2021 FDI toàn cầu phục hồi tương đối khiêm tốn do khả năng tiếp cận vaccine thấp, sự xuất hiện của các biến thể virus mới và các nền kinh tế chậm mở cửa trở lại.
Tuy vậy FDI của năm 2022 được dự báo tăng cao hơn và có thể trở lại mức năm 2019 là 1.500 tỷ USD do các quốc gia sẽ ưu tiên chính sách nhằm đẩy mạnh đầu tư để hỗ trợ phục hồi bền vững và toàn diện. Đặc biệt thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng, đồng thời tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế và chăm sóc sức khoẻ người dân.
Việt Nam có nhiều lợi thế trong cuộc đua thu hút FDI. |
8 nhóm lợi thế của Việt Nam trong thu hút FDI
Với nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng, theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có 8 nhóm lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm: Môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào.
Tình hình chính trị ổn định, đảm bảo sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, môi trường pháp lý đầy đủ là một trong những yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư - điều này được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Chính sách đầu tư nước ngoài thông thoáng, mở cửa thị trường, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư. Điển hình là Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 tiếp tục thể hiện chính sách đầu tư nước ngoài cởi mở của Việt Nam bằng cách cắt giảm một số thủ tục hành chính về đầu tư.
Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô, tầm vóc lớn và mạnh như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái bình dương; Hiệp định EVFTA; các hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh; Việt Nam đã phê chuẩn và Cộng đồng chung châu Âu đang đi đến phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), tạo cơ sở và nền tảng vững chắc về mặt pháp lý cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng nâng vị thế và sức hấp dẫn của Việt Nam trong chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.
Lực lượng lao động trẻ, dồi dào, với trên 3/4 dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động; năm 2020 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 23,6%. Bên cạnh đó, lực lượng lao động Việt Nam được đánh giá cao nhờ sự chăm chỉ, trình độ học vấn cao, dễ đào tạo và chi phí lao động thấp. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các thị trường lao động trong khu vực.
Vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi với đường bờ biển dài, nhiều cảng biển nước sâu, là cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là lợi thế và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.
Cùng với 8 nhóm lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và chi phí lao động ngày càng cao ở Trung Quốc khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc khi quyết định đầu tư vào quốc gia này, càng làm tăng sức hút của Việt Nam với các nhà đầu tư tiềm năng. Ước tính chi phí lao động sản xuất ở Trung Quốc là 5,51 USD/ giờ vào năm 2018, trong khi con số này ở Việt Nam là 2,73 USD/ giờ. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường Trung Quốc xuất phát từ cuộc cạnh tranh thương mại này.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam
Theo báo cáo của UNCTAD, năm 2020 với tổng số vốn 16 tỷ USD, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn FDI, lần đầu tiên nước ta lọt vào tốp 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Việt Nam nắm giữ vị thế dẫn đầu trong cuộc đua giành FDI với các đối thủ tiềm năng như: Trung Quốc, Indonesia; Ấn Độ, Mexico.
Cũng trong năm 2020, Việt Nam là một trong các trung tâm đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thế giới đang đẩy nhanh quá trình đa dạng chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng được đánh giá còn nhiều dư địa để cạnh tranh nguồn vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu hiện nay với các đối thủ lớn khác, điển hình như Trung Quốc.
Mặc dù đang trong “vòng xoáy” của dịch COVID-19, trong 10 tháng năm 2021 vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam đạt 23,74 tỷ USD được rót vào 18 lĩnh vực. Công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn lên đến 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7 % tổng vốn đăng ký. Bức tranh kinh tế 10 tháng phản ánh ngành chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu là động lực chính, đây cũng là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Singapore là quốc gia dẫn đầu trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5,96 tỷ USD, chiếm 29,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Vị trí thứ 2 là Hàn Quốc với 3,6 tỷ USD. Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với 3,17 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Trung Quốc với 2,34 tỷ USD; Hong Kong với 1,82 tỷ USD; Đài Loan 1,01 tỷ.
Đặc biệt vốn đăng ký tăng thêm của các dự án FDI hiện đang hoạt động ở nước ta trong 10 tháng năm 2021 đạt 7,09 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Góp vốn, mua cổ phần đạt 3,63 tỷ USD.
Trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,16 tỷ USD, tăng 20,1%, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kim ngạch nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt gần 176,9 tỷ USD, tăng 31,3% so cùng kỳ và chiếm 65,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Với những thông tin này cho thấy 8 lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, cùng những quyết sách đúng đắn của Chính phủ và khả năng chống dịch COVID-19 đã tạo được niềm tin đối với giới đầu tư nước ngoài khi quyết định tham gia và mở rộng sản xuất kinh doanh ở Việt Nam trong bối cảnh đầu tư nước ngoài của toàn cầu vẫn suy giảm.
Cần làm gì để tiếp tục dẫn đầu trong cuộc đua giành FDI
Trong nguy, có cơ, hậu quả do đại dịch gây ra đối với nền kinh tế đất nước chính là cơ hội để Chính phủ đánh giá sức chống chịu, các lĩnh vực dễ bị tổn thương của nền kinh tế và phương thức ứng phó với những bất trắc, từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm thu hút và duy trì hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa đất nước. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành và địa phương có liên quan cần thực hiện một số giải pháp nhằm “giữ chân” và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới:
Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động, bất trắc của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới; đồng thời xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài với điều kiện đầu tư, hệ thống pháp luật minh bạch, dễ dự đoán trên nền tảng phát triển nền kinh tế thị trường kết nối toàn cầu bằng các quy tắc của pháp luật.
Thứ hai, Chính phủ cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài và ngành lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện. Đặc biệt xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để giữ vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước.
Thứ ba, mua bán và sáp nhập đang trở thành xu thế trong đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế, để tránh các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm bị các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát và thâu tóm, Chính phủ cần xác định ngưỡng cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hoá, đặc biệt cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xem xét cụ thể các thương vụ M&A lớn, điển hình trong mấy năm qua để thấy rõ những mặt tồn tại, đúc kết thành bài học kinh nghiệm về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Thứ tư, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô vững mạnh, ổn định; có chiến lược đúng trong xử lý dịch COVID- 19, đồng thời đẩy nhanh quá trình tiêm chủng để đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động tạo dựng niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan đánh giá các mặt được, những điểm còn tồn tại của 8 nhóm lợi thế thu hút FDI của Việt Nam, từ đó phát huy những điểm mạnh, khắc phục các tồn tại để 8 nhóm lợi thế này mang lại hiệu quả hơn trong thu hút FDI trong thời gian tới. Nhất là, Bộ Công Thương cần đánh giá cụ thể những thuận lợi và khó khăn, tồn tại của từng hiệp định thương mại Việt Nam đang tham gia thực hiện, từ đó có giải pháp phát huy hiệu quả các hiệp định và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Thứ sáu, để không đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương khẩn trương hỗ trợ mạng lưới đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các cú sốc về lao động. Bên cạnh dạy kỹ năng nghề, cần đào tạo nâng cao kỷ luật lao động, các kỹ năng mềm, khả năng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để lao động Việt Nam vừa có kỹ năng nghề cao và có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0./.
TS. Nguyễn Bích Lâm
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê