Việt Nam sẽ có “thung lũng silicon”?
Lãnh đạo Tập đoàn Vingroup cho biết, trong 3 năm tới, Vingroup đang có kế hoạch xây dựng "thung lũng Silicon" tại Khánh Hoà - nơi quy tụ tinh hoa của thế giới.
Tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, Tổng Giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết, với tình hình thực tế lao động như hiện nay gắn với tiêu chí bền vững, hiện đại, hội nhập, Vingroup đang thu hút sử dụng lực lượng lao động với trí tuệ Việt và kinh nghiệm, tri thức phương Tây.
Theo đó, lãnh đạo Vingroup cho biết doanh nghiệp có 3 mảng hoạt động chính gồm Công nghệ, công nghiệp; Thương mại, dịch vụ; Thiện nguyện xã hội. Với tổng số nhân sự 45.000 người, đang dự kiến tăng lên 150.000 người trong 2 năm tới.
Bên cạnh đó, Vinfast và Vingroup đang có gần 1.000 chuyên gia đến từ gần 20 quốc gia phát triển trên thế giới. Nghiệp vụ của các chuyên gia ở Việt Nam không chỉ giúp Vingroup triển khai các dự án nghiên cứu sản xuất trong mảng công nghệ, công nghiệp mà quan trọng hơn là tham gia vào quá trình đào tạo huấn luyện xây dựng đội ngũ nhân sự có chất lượng quốc tế.
Đặc biệt, trong vòng 3 năm tới, Vingroup đang có kế hoạch mở ra Trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu tại Khánh Hòa nhằm quy tụ những bộ óc lớn nhất thế giới với các chuyên gia đang sở hữu bằng sáng chế, các nghiên cứu chuyên sâu, Vingroup sẽ hỗ trợ họ phát triển ứng dụng để Việt Nam có một “Thung lũng Silicon” - nơi quy tụ tinh hoa của thế giới.
Trên thực tế, để nắm bắt tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ. Năm 2019, đề án về xây dựng một "thung lũng Silicon"- Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã được đưa ra. Là một trong những bước đi đầu tiên trên con đường đến với cách mạng công nghiệp 4.0. Trung tâm được khởi công xây dựng vào đầu năm 2021 tại Hà Nội.
NIC được cho là giống các mô hình trên thế giới như Thung lũng Silicon của Mỹ, Công viên khoa học Oxford (Anh)... là nơi ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 trong doanh nghiệp và nghiên cứu, phát triển công nghệ trên nền tảng các công nghệ lõi.
Đây cũng là nơi hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cấp quốc gia, là đầu mối dẫn dắt, kết nối và hỗ trợ các cơ sở đổi mới sáng tạo khác trong cả nước. Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia còn là phòng thí nghiệm về chính sách cũng như mô hình kết hợp giữa sự dẫn dắt của Nhà nước, cơ chế thị trường và sự tham gia của cả mạng lưới đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài của Việt Nam trên khắp thế giới và các tập đoàn công nghệ lớn. NIC được một số tập đoàn nước ngoài quan tâm cam kết đầu tư.
Đến nay, bước đi tiếp theo này của Vingroup có thể xem là hoàn thiện cho những yếu tố cần để hình thành “thung lũng silicon” tại Việt Nam.
Trong 2 năm tới, Vingroup cho biết cần tuyển dụng 100.000 nhân sự trong đó có khoảng 20% là nhân sự cao cấp đã qua đào tạo tối thiểu là trình độ đại học và khoảng 10% cho khối sản xuất phục vụ sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo ông Quang, Vingroup khi đi ra thế giới sẽ mang theo khát vọng của Việt Nam và chỉ có thể dựa vào con người. “Ở trong nước, chúng ta khẳng định thương hiệu, chất lượng, uy tín, tốc độ nhưng ra nước ngoài chúng ta được biết đến như một đất nước kiên cường, bền bỉ. Chúng ta sử dụng chất xám Việt trên nền tảng kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế trong việc chinh phục thế giới bằng sản phẩm, thương hiệu chất lượng và chất xám của Việt Nam”, ông Nguyễn Việt Quang nhấn mạnh.
Về kế hoạch 5 năm tới, Vingroup dự kiến xây đựng 500.000 căn nhà xã hội và một loạt dự án xây dựng được triển khai tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, TPHCM cùng với việc mở mới nhà máy pin tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), mở rộng sản xuất nhà máy ô tô điện ở Hải Phòng Vingroup cần tuyển gấp khoảng từ 80.000-100.000 công nhân cho các dự án này.
Từ nhu cầu thực tiễn này, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ trong tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Một số đơn vị thành viên của Vingroup đã có các chương trình hợp tác song phương với các trường đại học lớn như VinUni, Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại giao, Đại học Bách khoa… để đưa trí tuệ, kinh nghiệm của Vingroup trở thành chương trình đào tạo phổ biến khoa nhằm nâng cao chất lượng đại học.
Với chính quyền địa phương, Vinfast và công ty xây dựng Vinhomes đang có nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn lao động để đào tạo và phát triển họ thành những công nhân lành nghề. Vingroup cần các địa phương phối hợp cung cấp nguồn nhân lực số lượng lớn, đã qua đào tạo cơ bản, có định hướng về tinh thần làm việc thái độ làm việc, đặc biệt coi trọng tinh thần kỷ luật. Vingroup sẽ có chế độ đãi ngộ tốt nhất để họ yên tâm công tác.
Vingroup bày tỏ ước vọng tiên phong mang sản phẩm, công nghệ ra thế giới. Đó là con đường cần thiết để định vị chất lượng, chất xám Việt Nam.
Để xây dựng lực lượng lao động hiện đại, bền vững, hội nhập trong ngắn hạn, cách tiếp cận của Vingroup là học nhanh nhất từ những người giỏi nhất và đưa việc học vào sản phẩm dịch vụ thực tế để tiếp tục cải tiến. Về ngắn hạn, Vingroup tiếp tục đầu tư cho chất lượng nhân sự hay nói đúng hơn là chất lượng dân số cả về sức khỏe, trí tuệ. Từ câu chuyện giáo dục ở Vinschool, VinUni, Vinfuture,Vinglobal… tới những câu chuyện chia sẻ, lan tỏa, nhân rộng kinh nghiệm xương máu của Vingroup cho thế hệ tương lai và các doanh nghiệp bạn muốn học hỏi.