Xuất khẩu nông lâm thủy sản đối diện với những khó khăn mới
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở khu vực Châu Âu, đang bùng phát mạnh tại Tây Á, Trung Á nên xuất khẩu nông lâm thủy sản sang những khu vực đó sẽ khó khăn, thậm chí nguy cơ suy giảm trong những tháng tới. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ với VnEconomy về những dự báo thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Tình hình thị trường xuất khẩu nông lâm thủy của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 diễn biến như thế nào, thưa ông?

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Xét về mặt hàng, thì cao su, lâm sản, rau quả, sắn, chè, tiêu, thủy sản tiếp tục giữ được tăng trưởng cao về giá trị xuất khẩu, trong khi xuất khẩu gạo, điều, cà phê… đã giảm tốc hoặc quay lại tình thế khó khăn.

 Xét theo từng thị trường, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á ước tăng 18,2%, đạt 8,05 tỷ USD; châu Mỹ tăng 56,7%, đạt 4,73 tỷ USD; châu Phi tăng 11,8%, đạt 249 triệu USD; châu Đại Dương tăng 29,2%, đạt 239 triệu USD; xuất khẩu sang khu vực châu Âu xấp xỉ bằng với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,72 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 4,99 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm trên 51% trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gốc của nước ta.

Sở dĩ Châu Mỹ là thị trường xa Việt Nam nhất, nhưng lại đạt được tăng trưởng lớn nhất về giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản, là nhờ xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ tăng mạnh. 

Nếu nhìn chung trong rổ các sản phẩm nông lâm thủy sản, thì riêng Mỹ đã chiếm tới 33% trong tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành hàng. Sở dĩ xuất khẩu sang Mỹ nói riêng, châu Mỹ nói chung đang tăng trưởng nhanh hơn ở các thị trường khác, là bởi khu vực này đang dần kiểm soát được dịch Covid-19. Trong khi, dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở khu vực Châu Âu, đang bùng phát mạnh tại Tây Á, Trung Á nên xuất khẩu nông lâm thủy sản sang những khu vực đó sẽ khó khăn, thậm chí nguy cơ suy giảm trong những tháng tới.

Tại thị trường Châu Âu, mặc dù nông lâm thủy sản đang được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA), với thuế suất nhiều mặt hàng giảm mạnh, hoặc gỡ bỏ. Thế nhưng, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay không tăng, không chỉ do đứt gãy chuỗi cung ứng bởi dịch Covid-19 gây ra, mà còn vì thị trường này đưa ra nhiều quy định mới trong hàng rào kỹ thuật nhập khẩu, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa kịp cập nhật và cũng chưa kịp thay đổi để đáp ứng.

Ông cho biết những quy định mới mà thị trường châu Âu đặt ra đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản cụ thể là gì?

EU đã thay đổi cách tiếp cận kiểm soát thực phẩm hỗn hợp nhập khẩu, với Quy định mới EU 2020/2236 có hiệu lực từ ngày 21/4/2021. Trước đây, EU quy định thực phẩm hỗn hợp có chứa trên 50% thành phần từ sản phẩm có nguồn gốc động vật thì áp dụng kiểm soát như thực phẩm có nguồn gốc động vật. Các loại thực phẩm hỗn hợp có chứa thành phần thực phẩm có nguồn gốc động vật nhỏ hơn 50% thì áp dụng như các quy định thực phẩm hỗn hợp có nguồn gốc thực vật.

Tất cả các sản phẩm tổng hợp có chứa sản phẩm động vật như sữa, trứng, thịt, thủy sản… phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hoặc giấy tự xác nhận của nhà sản xuất bổ sung, các sản phẩm từ sữa phải có chứng nhận xử lý nhiệt. Các thành phần có nguồn gốc động vật (trừ gelatin và collagen) được sử dụng để sản xuất một sản phẩm tổng hợp phải có nguồn gốc từ nước thứ ba với một kế hoạch kiểm soát dư lượng đã được phê duyệt cho các thành phần cụ thể.

Theo qui định mới của EU, sau ngày 21/4/2021, yêu cầu nhập cảnh sẽ không còn dựa trên tỷ lệ phần trăm của các thành phần có nguồn gốc từ động vật, mà dựa trên sức khỏe động vật hoặc nguy cơ sức khỏe cộng đồng liên kết với chính các sản phẩm tổng hợp đó.

Công cụ thông tin ghi nhãn thực phẩm mới trên toàn EU FLIS (Food Labelling Information System) là một công cụ thông tin ghi nhãn thực phẩm mới trên toàn EU. Hiện nay, phiên bản đầu tiên đang có trên trang web của Ủy ban châu Âu, chứa các quy tắc chung của Liên minh châu Âu về ghi nhãn thực phẩm đối với từng loại hàng hóa.

Dự kiến trong phiên bản tiếp theo, công cụ này sẽ được bổ sung các quy tắc ghi nhãn quốc gia bắt buộc áp dụng cụ thể cho các quốc gia thành viên khác nhau của EU. Đây là một công cụ hữu ích đề các doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm ra những thông tin bắt buộc phải có trên bao bì.

Bên cạnh những khó khăn mới, cũng có thông tin mừng cho Việt Nam, đó là cuối tháng 4/2021, EU đã công bố quyết định chấp nhận kế hoạch kiểm soát động thực vật của các nước ngoài EU. Theo đó Việt Nam được công nhận đối với hai sản phẩm là hải sản và mật ong.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Một quy định khác, từ ngày 1/4/2021, thực phẩm vượt quá giới hạn tối đa chất béo chuyển hóa sẽ không được bán trên thị trường EU Quy định mới này đặt ra giới hạn hàm lượng chất béo chuyển hóa, trừ chất béo chuyển hóa tự nhiên trong động vật, trong thực phẩm dành cho người tiêu dùng cuối cùng và thực phẩm dùng để cung cấp cho cơ sở bán lẻ, không được vượt quá 2 gam trên 100 gam chất béo.  

Trái cây và rau, củ, quả là những sản phẩm mang tính mùa vụ cao, nếu không xuất khẩu kịp thời dễ gây ra tình trạng phải đổ bỏ. Ông có thế nói gì về vấn đề này?

Giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 64,7% thị phần; tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020. Diễn biến dịch Covid-19 hiện đang khá phức tạp, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng rau, củ, quả.

Chúng tôi dự báo, trong những tháng tới, tăng trưởng xuất khẩu hàng rau, củ, quả sẽ giảm tốc. Hiện nhiều loại trái cây ở miền Bắc đã và sắp bước vào thu hoạch rộ, như: mận, vải và sau đó sẽ là nhãn, na… Các sản phẩm này chủ yếu xuất khẩu sang thị trường truyền thống là Trung Quốc. Ngoài ra, xuất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ.

Được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hiện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị để sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với một số địa phương trọng điểm, các doanh nghiệp lớn nhằm bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ quả vải, nhãn và một số rau củ quả khác tại thị trường trong nước trước tác động của dịch Covid-19. 

Hiện chúng tôi đang làm việc với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan của các tỉnh có sản lượng quả vải lớn của khu vực phía Bắc (Bắc Giang, Hải Dương) về tổ chức, kiểm soát các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ quả vải của địa phương.

Tới đây, chúng tôi sẽ chủ trì, tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tham tán, Trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc bàn kế hoạch kết nối xuất khẩu rau củ quả sang thị trường Trung Quốc.  Đồng thời, sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ để chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc của Bộ trưởng với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.

Chu Khôi
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc