Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút 230 tỷ USD vốn FDI
Tính đến nay, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước đang có gần 11.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư lên 230 tỷ USD...
Thông tin tại diễn đàn khu công nghiệp Việt Nam 2022 với chủ đề “Khơi thông làn sóng đầu tư mới” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cho biết đến nay, hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố với 403 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD (trong đó, tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD).
Những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.
Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.
Đồng thời, khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP…
Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Bộ đưa ra 5 định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới - Ảnh: NDT.
Tuy nhiên, các mô hình đang có sự thay đổi về động lực phát triển, theo đó các mô hình khu truyền thống hướng đến xuất khẩu và dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài nguyên đang được chuyển đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên: mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung.
Các yếu tố này sẽ tác động đến mô hình, định hướng phát triển của khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Phương, các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thời gian gần đây đặt ra yêu cầu về nâng cao hiệu quả phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng phát triển bền vững và đổi mới mô hình phát triển, hiệu quả sử dụng đất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó, xác định một số định hướng phát triển.
Cụ thể, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đổi mới và đa dạng hóa các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế để đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế của khu công nghiệp, khu kinh tế trong thu hút, hợp tác đầu tư, trong đó, lấy đổi mới mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu công nghiệp, khu kinh tế làm nền tảng.
Phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế phải đảm bảo đồng bộ, hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thực hiện các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững…
Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế có chọn lọc; ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại…
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đặc biệt là trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; phát huy sự năng động, hiệu quả của nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cấp, các ngành trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.