Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025: Rốt ráo lập hồ sơ cho từng dự án
Không chỉ là tên dự án, mà từng dự án sẽ được xây dựng với rất nhiều thông tin cụ thể, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, ra quyết định đầu tư.
Lập hồ sơ riêng để “hút” nhà đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương cung cấp nội dung chi tiết các dự án thuộc Dự thảo Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 (Dự thảo Danh mục).
Theo đó, với mỗi dự án thuộc Danh mục, các cơ quan sẽ không chỉ cung cấp tên dự án, quy mô dự kiến, bao gồm diện tích đất, vốn đầu tư… như trước đây, mà sẽ có một bộ mẫu hồ sơ đầy đủ về mục tiêu dự án, tình trạng dự án, hình thức đầu tư, quy mô đầu tư…
Hơn thế nữa, trong mẫu hồ sơ dự án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới các bộ, ngành, địa phương còn có rất nhiều thông tin quan trọng khác, như nhu cầu về điện, nước; chi phí đầu tư; thời gian dự kiến thực hiện dự án; mong muốn tìm kiếm đối tác nước ngoài…
Quan trọng hơn, còn có các thông tin tổng quan về địa phương, bao gồm tiềm năng, lợi thế, tình hình phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông kết nối, nguồn lao động, cũng như thông tin cụ thể về dự án, như chính sách ưu đãi, phân tích thị trường, thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai dự án…
Chưa biết chất lượng chuẩn bị bộ hồ sơ này đến đâu, nhưng nếu đáp ứng toàn bộ thông tin được Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu, thì lần đầu tiên, trong công tác xúc tiến đầu tư, Việt Nam sẽ có đầy đủ hồ sơ riêng cho các dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Trước đây, trong các danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài, chỉ đơn thuần có tên dự án.
Trên thực tế, hồi tháng 2/2021, khi Dự thảo Danh mục được trình lên Chính phủ, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến và Hợp tác đầu tư Việt Nam cho rằng, mặc dù việc xây dựng Danh mục là cần thiết và quan trọng, song thực tế lại không giúp được nhiều cho công tác xúc tiến đầu tư.
Lý do là, các dự án trong Danh mục quá thiếu thông tin. “Chỉ Danh mục không thôi chưa đủ. Để thu hút đầu tư hiệu quả, mỗi dự án cần kèm theo hồ sơ chi tiết và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có đủ thông tin để nhà đầu tư tham chiếu trước khi ra quyết định khảo sát đầu tư”, ông Nguyễn Đình Nam nói.
Chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi giải thích lý do việc thực hiện các danh mục dự án xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn trước thất bại cũng đã thừa nhận, có vấn đề liên quan đến việc cụ thể hóa thông tin của từng dự án.
“Danh mục mới phải khắc phục tối đa các tồn tại của danh mục giai đoạn trước”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định như vậy.
Và đúng là như thế, việc xây dựng hồ sơ riêng cho từng dự án đang rốt ráo được tiến hành. Việc này nếu được thực hiện tốt thì kỳ vọng sẽ tạo được những khác biệt căn bản trong việc xúc tiến đầu tư thông qua Danh mục các dự án quốc gia.
Nguyên tắc mở và những cú hích cho thu hút FDI
Ngay từ đầu, khi xây dựng Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài, ngoài các nguyên tắc quan trọng, như chỉ đưa vào các dự án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, Danh mục sẽ được xây dựng trên nguyên tắc mở. Theo đó, sẽ cập nhật và điều chỉnh, bổ sung hàng năm để phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ. Điều này là hoàn toàn khác so với các danh mục “cứng” trước đây, dẫn đến việc có nhiều dự án không thu hút được đầu tư, do cơ chế, chính sách, quy hoạch thay đổi…
Sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, Dự thảo Danh mục quốc gia các Dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài 2021-2025 có 157 Dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến 71,46 tỷ USD. Khi Danh mục hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ thông qua, Việt Nam sẽ có một bộ tài liệu quan trọng để xúc tiến đầu tư giai đoạn tới. |
Và nguyên tắc này được thể hiện ngay từ việc mới đây, sau ý kiến của Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tạm đưa 2 dự án tỷ USD ra khỏi Dự thảo Danh mục. Đó là Dự án Điện khí và Kho khí hóa lỏng ở Thanh Hóa và Dự án Điện lực LNG Hải Lăng ở Quảng Trị. Lý do là cả hai dự án này đều đang được xem xét, bổ sung tại Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, mà bản quy hoạch này thì chưa được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Trên thực tế, Bộ Công thương còn đề xuất bỏ ra khỏi Danh mục Dự án Hệ thống đường ống dẫn khí mỏ Báo Vàng về Quảng Trị, do chưa được nhà thầu lập kế hoạch phát triển đại cương (ODP) và kế hoạch phát triển mỏ (FDP), vì thế, chưa có thông tin cụ thể về hệ thống thiết bị, đường ống dẫn khí, thời điểm mỏ bắt đầu khai thác.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đề xuất giữ lại Dự án Hệ thống đường ống dẫn khí mỏ Báo Vàng về Quảng Trị, bởi dự án này đã trong quy hoạch, còn thông tin về hệ thống thiết bị sẽ được cụ thể hóa khi có nhà đầu tư vào triển khai.
Đồng ý bỏ ra khỏi Dự thảo Danh mục hai dự án Điện khí và Kho khí hóa lỏng ở Nghi Sơn, 4-6 tỷ USD, và Dự án Điện khí LNG Quảng Trị, 4,5 tỷ USD, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau khi Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, sẽ cập nhật, bổ sung 2 dự án này vào Danh mục. Như vậy có nghĩa, Danh mục rất mở, sẽ được cập nhật, thay đổi hàng năm, nhằm tạo thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư.
Thông tin cho biết, ngoài các dự án kể trên, còn có 3 dự án trong lĩnh vực công nghiệp ô tô đã được đưa ra khỏi Dự thảo Danh mục. Ngược lại, bổ sung 3 dự án vào Dự thảo Danh mục (Dự án Bệnh viện Đại học Quốc gia TP.HCM; Dự án trường Đại học Quốc tế tại Hòa Lạc; Dự án Bệnh viện Đa khoa tại Hòa Lạc, thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc). Các dự án này đều nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt và thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư.
Sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc hiện thực hóa Danh mục, bởi không chỉ những điểm khác biệt quan trọng với các danh mục giai đoạn trước, mà còn vì hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị nhiều điều kiện quan trọng để đón dòng đầu tư đang dịch chuyển. Một trong số đó là mới đây, Chính phủ đã chính thức ban hành cơ chế ưu đãi đặc biệt dành cho các dự án quy mô lớn, trong các lĩnh vực công nghệ cao, R&D…