Đầu tư điện gió tại Cần Giờ: Thêm dự án “khủng” được đề xuất

Về đầu tư điện gió tại Cần Giờ, ngoài một dự án do nhà đầu tư trong nước đăng ký, đáng chú ý còn có dự án lớn với công suất 6.000 MW, do nhà đầu tư Nhật Bản liên danh với doanh nghiệp nội đề xuất.

Đề xuất dự án hơn 397.000 tỷ đồng

Ngay sau khi một nhà đầu tư nội đề xuất xây dựng Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi biển Cần Giờ (giai đoạn I có công suất 1.000 MW), 2 doanh nghiệp Nhật Bản liên danh với một doanh nghiệp trong nước khác cũng đề xuất xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi biển Cần Giờ với tổng công suất 6.000 MW.

Cuối năm 2022, liên danh các nhà đầu tư: Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á (Việt Nam) - Tập đoàn Tokyo Gas, Tập đoàn Shizen Energy (Nhật Bản) đã trình UBND TP.HCM Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ, tổng công suất 6.000 MW.

Địa điểm được đề xuất là khu vực ngoài khơi thuộc Nam Biển Đông với tổng diện tích 325.123 ha, cách bờ khoảng 55 km. Trong khu vực đất liền, nhà đầu tư đề xuất khu đất tại Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn II, với diện tích khoảng 8 ha để xây dựng trạm biến áp.

Dự án sẽ thực hiện 2 giai đoạn. Giai đoạn 2031 - 2035 đầu tư 2.000 MW; giai đoạn 2036 - 2040 đầu tư 2.000 MW.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 397.605 tỷ đồng (gồm cả giải phóng mặt bằng). Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 30%, còn lại là vốn vay thương mại trong nước.

Về thời gian thực hiện, nhà đầu tư đã lập một bản kế hoạch rất chi tiết. Giai đoạn 2031 - 2035 gồm các bước: lập hồ sơ bổ sung Dự án vào quy hoạch, lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi, khảo sát, huy động vốn, lựa chọn nhà thầu…; thi công từ tháng 2/2028 đến tháng 12/2030 và năm 2031 đưa vào vận hành.

Giai đoạn 2036-2040, dự kiến thi công từ tháng 2/2034 đến tháng 12/2035; năm 2036 bắt đầu vận hành.

Theo thuyết trình của nhà đầu tư, địa điểm xây dựng Dự án có tiềm năng gió tốt, giao thông thuận tiện, không nằm trong vùng có di tích lịch sử, đền bù giải phóng mặt bằng thuận lợi vì cách xa dân cư…

Trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư đã có đánh giá tác động môi trường khi xây dựng Dự án và đưa ra giải pháp để hạn chế, khắc phục tác động của Dự án trong quá trình xây dựng.

Kiến nghị giá mua điện và chính sách hỗ trợ

Để Dự án khả thi và triển khai theo kế hoạch, nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ hỗ trợ đầu ra, với mức giá bán điện lớn hơn hoặc bằng 8,02 UScent/kWh, tăng dần 10 - 15 % theo chu kỳ 5 năm; được áp dụng các chính sách như miễn/giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn/giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Ngoài ra, nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ có ưu đãi về thuế hoặc bỏ thuế năng lượng, đồng thời tài trợ đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Về phía địa phương, nhà đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM sớm xem xét và đồng thuận trình các cấp có thẩm quyền đưa Dự án vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).

Được biết, UBND TP.HCM đang lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành về các dự án năng lượng trước khi trình Chính phủ bổ sung Dự thảo Quy hoạch Điện VIII.

Như vậy, đến thời điểm này, đã có 2 nhóm nhà đầu tư đề xuất 2 dự án điện gió quy mô lớn tại Cần Giờ. Nếu cả hai dự án được đưa vào quy hoạch và được phê duyệt để xây dựng trong những năm tới, thì TP.HCM sẽ có một nguồn năng lượng “xanh” rất lớn.

Lê Quân
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc